Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Môn phái 5 ông Phật Xiêm


Môn phái 5 ông phật xiêm ,gồm thờ 5 hình vị phật ,4 vị mặc áo vàng hở vai phải ,vị trên cùng có hình dáng 1 chư thiên, không mặc cà sa vàng , đó là A Súc Phật. Trong 5 vị thì mỗi vị có 1 tư thế thủ ấn khác nhau ,dưới chân mổi vị có 1 linh thú tượng trưng để hầu là sư tử ,voi ,cọp ,gà trắng và rắn ….5 vị hợp lại thành thủ ấn Tam Sơn Quyết (ngón cái và ngón út chạm đầu nhau ,ba ngón còn lại duổi thẳng ra) . Tất cả cùng ngồi trong 1 vầng hào quang có hình như cái lá 3 chạc nhọn,nền hào quang nầy màu đỏ ,cho nên phái Lục Dây của xiêm làm khăn săc màu đỏ là vậy. Phía bên trên và ngoài hào quang nầy có 6 vị chư thiên thần ôm đàn và rải hoa cúng dường ca ngợi , phía dưới vầng hào quang có 2 chiếc quạt dựng thẳng nằm 2 bên .
Tiếp theo, bên dưới phải có ảnh đức lục tổ Ma- ga- ham 6 tay, 2 tay bụm mặt, 2 tay bịt lỗ tai ,2 tay dưới thì 1 bụm sinh dục,1 nắm kéo cổ chân phải vào ,theo thế ngồi kiết già . Ngài toạ trong 1 mạn đà la phù, bên dưới mạn đà la có 2 linh thú là kỳ lân và cọp ,giữa 2 linh thú nầy là dấu phù của tứ đại tượng trưng cho đất- nước -gió -lửa ……



Bên trên là tả nguyên thể của phù tổ tại Xiêm ,nhưng sau nầy khi qua Việt Nam thì có biến thể như sau: A Súc Phật và 2 vị Phật cuối vẫn toạ tại chỗ cũ ,nhưng ở hàng hai từ trên tính xuống thì bên phải và đức Lục Tổ Magaham 6 tay , bên trái là đức Quan Thế Âm Bồ tát …..không còn Mạn đà la riêng cho Lục Tổ như trước.


Nhập môn gồm bùa vẽ tơm vào 2 lá trầu và 3 vắt cơm trắng ,to cỡ ngón chân cái ,tất cả được cúng trên bàn tổ cùng 1 ly nuớc trong. Đầu tiên đệ tử ở trần ngồi xếp bằng chấp tay nhắm mắt ,thầy đọc kinh tổ và tiếng âm ,dùng ngón tay và bàn bàn tay , điểm và vỗ vào thân đệ tử để truyền điển năng và khai thần vị huyệt trên cơ thể.

(Bùa vô 3 vắt cơm khai thần)

Sau đó học trò tự nhiên phát đọc tiếng âm theo thầy ,nếu không đọc được thì thầy sẽ cho 1 trong 5 câu khai khẩu ,xem như phù hợp với chi của vị phật nào trong ngũ hành ,nếu học trò hạp xác thì vô quyền đi cước tại chỗ ,vừa đi vừa đọc lớn tiếng âm…

(Bùa vô lá trầu cho ăn)

Tiếng âm ở đây có 12 loại để nói ,nói lúc vô quyền ,lúc trị bịnh ,làm phép tắc ,đuổi ma …vv…có thể nói là bá sự. Đa số những người hành nghề đồng cốt không thích nghe loại tiếng nầy. Vì khi nghe đọc, họ sẽ đau đầu ,mặc dù không ít người trong số họ cũng nói tiếng âm. Nhưng tiếng âm ở đây là tiếng chư Lục thần quyền ,chứ không phải loại tiếng tại Trung thiên giới của các vị về điển ợ ngáp. Ngoài ra, có 1 loại tiếng nói như ú-ớ mà thôi ,vị đó gọi là ông câm về . Có khi người được vô điển không nói mà bị linh thú nhập vào. Các thú hay về trong hệ phái nầy là cá sấu ,mãng xà ,lang tướng .
Giai đoạn trên cỡ chừng 10 phút ,sau đó thầy sẻ lấy li nước trên bàn tổ phun vào toàn thân học trò từ trên xuống ,sau đó học trò quì gối lên trước bàn tổ ,mổi người nuốt 2 lá trầu phép và 3 viên cơm khi nảy ,khi nuốt cấm đụng răng,cấm nói ,nuốt 1 lần cho thật mạnh ...

(Bùa vô lá trầu khai khẩu)
Môn phái 5 Ông coi trọng việc xăm phép vào người ,và phải xăm màu xanh chàm ,vì đó là màu sức mạnh của chư thiên thần. Có loại xăm bằng sữa con so trộn mạt vàng thì chỉ dành xâm 24 bùa Tổ vào lưng hay ngực .
Môn phái nầy có dây kà tha đeo không như bên Miên. Dây là 12 cọng chỉ đỏ lớn sợi se lại ,khi đeo thì như chéo y ca sa của chư tăng , đó là đường viền y từ vai trái qua hông phải.

(Cốt tượng thường đính thêm vào dây kàtha)
Trên dây học trò sơ cơ thì có 7 mắc chì kèm đính 1 cốt phật nhỏ bằng nanh heo rừng hay chì hoặc vàng …và cứ mổi năm thì đính thêm 1 cốt phật do thầy ban ,cao điểm là 12 cốt tất cả ……..

Sau khi nhập môn thì học trò có quyền xâm hình hay đeo tượng đức lục tổ Ma Ga Ham tại ngực .

(Lục tổ Magaham)
Phái nầy bùa hay vẽ màu đen và đỏ trên giấy vàng, đó là bùa cấp cho đệ tử xài. Mỗi khi trị bịnh thì chú tiếng âm vô dầu xức đầu cổ và tay ,vô nước lã cho uống ,không cho uống bùa giấy .
Sau nầy tại việt nam có thêm vào hệ phái Lỗ Ban Ngũ lôi Cửu Thiên để trị tà ,trước đó thì có phép đả hội đủ đàng Mọi , đàng Chà , đàng Ngãi và chư vị Lục tôn … Sau thêm vào thờ binh chiến sỉ trận vong trong nước, từ đó tại môn nầy có thờ Chánh soái Đại càn .
Tại Sài Gòn thì có 2 chi lưu phát triền mạnh tại quận Tám và khu vực Hoà Hưng ,vị tổ sư cao tay nhất thì ngụ tai chung cư Nguyễn Thiện Thuật cách đây hơn 20 năm. Sau tổ là 1 vị nữ về nhận chưởng quản chi lưu, tại quận 6, từ đó thì bùa Tổ vẽ ra có dạng đơn giản hơn xưa, tức là tập họp 5 bùa tam muội lại ra dáng 1 người nử mặt áo dài đang đứng. Từ đó thêm vào vái "chư vị 5 bà - nặc mô ra buôt dá”.

(Tướng 5 ông)
Nguồn gốc dòng phái tại Xiêm là do từ Pali tại Khơ me truyền qua ,bởi 1 người phụ nữ gốc Xiêm lai Tàu ,do đó các chử Pali viết trong bùa thường có dạng gói lại trong ô vuông như chữ triện của Trung Hoa …tiếng chú đọc pha lẫn tiếng giọng Xiêm và Tàu …điển hình là có 1 phần võ thần về đánh quyền và đọc tiếng Tàu ,gọi là ông Tiều về .
Môn phái nầy ít lưu hành tại Việt Nam vì 2 lẽ …..
Một là nhập môn thì nhiều ,mà số người thọ điển thật sự lại ít ,nên sau vài tháng hay năm thì đa số bỏ cuộc ,vì tháng nào củng phải đến thầy để vô cơm và trầu tiếp …không tiện cho việc ăn ở đi lại ,sinh hoạt .
Hai là sự lên cấp đai ,vô thêm cốt Phật trong dây kà tha cũng rất chậm chạp. Có người tu tập theo 10 năm cũng không nhiều tiến bộ. CÓ lẽ vì môn nầy không nhiều chú trọng về luyện bùa , đa số là bùa không chú , đa số luyện tiếng âm mỗi hàng ngày 2 lần lúc chiều tối và 12 giờ đêm … Cao cấp thì luyện thêm mặt trời…không luyện mặt trăng …khi vẽ làm phép thì đủ thứ bùa mà vẫn dùng tiếng âm thôi. Tức là vẽ bùa sắc mà chú bằng tiếng âm do mỗi người tự luyện hàng ngày .
Đa số bùa bên nầy về sau thì có thêm các bùa của đại thừa như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Nhật Quang -Nguyệt Quang, Cửu Thiên, Thái Thượng, Chánh soái Đại càn ..vv..cứ vái danh vị vẽ bùa và dùng tiếng âm phổ vào. Ít khi vẽ bùa tay .. đa số bùa khắc mộc in sẵn để trên bàn thờ ,khi có cần thì khấn tên tuổi ngươì xin vào ,thổi hương vào bùa rồi cho .

(Khăn nhập môn)
Vì môn phái nầy có 1 vị tổ là nữ ,và 1 trưởng chi là nữ …cho nên thu nhận nhiều đệ tử nữ khác hẳn các môn phái khác. Nhưng cuối cùng thì môn nầy bị ưu thế mạnh của Thất sơn thần quyền và Tam thập lục tổ mẹ sanh lấn áp ,vì các môn nầy hay dự võ đài ,và cấp phép tránh dao búa bom đạn cho lính đi trận ….nhiều người đã từng học môn trên chuyển sang thọ giáo các môn sau nầy .
Tên pháp môn nầy vào VN lúc xưa gọi là Mô ức Phật hay Mô ức Phật đà lục(lực). Sau lại gọi là Năm ông để dấu nguồn gốc ,cho nên nhiều người nghe ngỡ là Ngũ Công Vương Phật của Tàu !

Lưu ý: Khi đọc tiếng âm mà không thấy điện chạy trong người hay cứng người ,hay là mặt không đổi sắc ,thì tức là đọc theo quán tính mà thôi. Thần không về xác và chứng độ …và vậy thì không bao giờ có thể xài bùa cho linh với tiếng âm như vậy !!! Đó cũng là khuyêt điểm và cũng chính là lí do tại sao ít người chịu theo đuổi môn nầy

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Thần tài


• 神財
Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường.
Tài: tiền bạc, của cải.
Thần tài là vị Thần cai quản về tiền bạc và của cải.
Theo tín ngưỡng dân gian, Thần tài mang lại tiền bạc hay của cải cho mỗi gia đình, nên mỗi gia đình, nhứt là gia đình mua bán hay kinh doanh đều có bàn thờ Thần tài, đốt nhang nghi ngút để cầu xin Thần tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc.
Người đời rất quí trọng tiền bạc nên rất quí trọng Thần tài. Những nhà kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần tài rất long trọng, đặc biệt bàn thờ Thần tài không được đặt trên cao mà phải đặt ngay trên mặt gạch nền nhà.
Tục thờ Thần tài được người Tàu truyền cho dân ta. Người Tàu sang nước VN làm nghề buôn bán trở nên giàu có, mỗi nhà người Hoa đều có thờ Thần tài nên người Việt thấy vậy bắt chuớc theo. Nhiều nhà không có thờ phượng Trời Phật chi hết mà lại thờ Thần tài.

Sự tích của Thần tài: có nhiều sự tích nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích sau đây:
1. Thần tài là một cô gái tên là: Như Nguyện.
Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn.

Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.
Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ.
Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.
Do sự tích nầy, người ta có tục kiêng cử quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.
Cũng do sự tích nầy mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.
Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là Ông Thần tài chớ không ai gọi là Bà Thần tài, nên sự tích Thần tài là cô gái Như Nguyện chưa hẳn là chính xác.
2. Thần tài là ông Triệu Công Minh:

Ông Triệu Công Minh ở đây không phải là Triệu Công Minh trong truyện Phong Thần hay trong truyện Bắc Du Chơn Võ, mà là một người dân ở núi Võ Đang bên Tàu.
Truyện dân gian Trung quốc kể rằng: ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, tánh rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.
Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo vì tánh xa xỉ. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền khá khá đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng Lão Viên quen tánh tiêu xài xa xỉ nên dần dần hết vốn, trở nên nghèo khổ. Lão Viên lại sanh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vầy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miểu thờ Triệu Công Minh gọi là Thần tài miếu.
Chúng ta không thể xác định được người VN thờ Thần tài vào lúc nào, bởi vì như trên đã nói, việc thờ Thần tài là do người VN bắt chước các Hoa kiều, như thế những người VN thờ Thần tài chắc chắn là những người thường làm ăn buôn bán với các Hoa kiều.
Việc thờ Thần tài trong mỗi gia đình khiến cho người ta sáp nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ địa, Ông Địa, Ông Táo.

Do đó, người Tàu làm ra một tấm bài vị gộp chung các danh hiệu của các vị Thần bản gia để thờ, mà người ta thường gọi là "bài vị Thần tài", và chúng ta thấy bài vị nầy được thờ ở hầu hết trong các tiệm quán, nhà buôn, ở các văn phòng công ty và xí nghiệp.

Bài vị Thần tài được vẽ trên một tấm kiếng, nền sơn đỏ, tất cả đều là chữ Hán màu nhũ vàng, vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có tấm bảng đề "TỤ BẢO ĐƯỜNG" nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quí báu, phía dưới có vẽ một cái TỤ BẢO BỒN là cái chậu huyền diệu chứa của báu.

聚寶堂 : TỤ BẢO ĐƯỜNG: nhà chứa của quí báu.
招財 : Chiêu tài: mời gọi tiền của.
進寶 : Tiến bảo: dâng hiến bảo vật.
金枝初潑腳 : Kim chi sơ phát diệp: Cành vàng bắt đầu trổ lá.
銀樹正開花 : Ngân thụ chánh khai hoa: Cây bạc chánh thức nở hoa.
Hai câu trên là đôi liễn đặt hai bên bài vị, như để chúc tụng. Trong một kiểu bài vị khác, đôi liễn trên được viết là:
Thổ năng sanh bạch ngọc (Đất thường sanh ngọc trắng)
Địa khả xuất hoàng kim (Đất khá xuất vàng ròng).
如意吉祥 : Như ý cát tường: tốt lành như ý muốn.
一帆風順 : Nhứt phàm phong thuận: thuận buồm xuôi gió.
四季平安 : Tứ quí bình an: bốn mùa bình an.
Hai câu chữ lớn ở chính giữa là danh hiệu của các Thần bản gia để thờ phượng:
五方五土龍神 : NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN
前後地主財神 : TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN
■ Ngũ phương Ngũ thổ Long Thần: năm vị Thần trấn năm hướng và năm vị Thần đất đai long mạch sắp đặt theo Ngũ Hành gồm: bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương.
● Năm vị Thần Ngũ phương là: Hoàng đế (Trung ương), Bạch đế (hướng Tây), Hắc đế (hướng Bắc), Thanh đế (hướng Đông), Xích đế (hướng Nam).
● Năm vị Ngũ Thổ Long Thần là năm vị Thần long mạch coi về đất đai, bảo hộ cư dân làm ăn sinh sống, gồm:
o Thổ Công, làm chủ nền nhà.
o Thổ Thần, làm chủ khu đất.
o Thổ Địa, cũng gọi là Môn Khấu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần: Thần Thổ Địa trực ở cổng để tiếp dẫn Thần Tài vào nhà.
o Thổ Phủ, bảo hộ các kho hàng.
o Thổ Kỳ, cai quản mặt đất nói chung.
Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần: gồm hai vị: Tiền Địa Chủ Tài Thần và Hậu Địa Chủ Tài Thần.
Tiền Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất trước. Thờ vị Thần nầy là có ý báo bổn tư nguyên, tức là báo đáp cái gốc, nhớ đến cái nguồn.
Hậu Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất sau, tức là thờ vị Thần Tài của chủ đất hiện nay. (Theo Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc: Thần Tài - Tín ngưỡng và Tranh tượng)

Những cơ sở kinh doanh các ngành nghề đều có thờ Thần Tài. Họ lập bàn thờ Thần tài lớn và trang nghiêm rực rỡ, chưng cúng bông và trái cây thường xuyên, cúng nước mỗi sáng mỗi chiều đều đốt nhang khấn vái để Thần Tài luôn luôn phù hộ cho họ làm ăn phát tài. Trên bàn thờ, ngoài bài vị Thần Tài còn có đặt phía ngoài hai tượng: tượng Ông Địa và tượng Ông Thần Tài.
(CaoDai)

Bàn về sự tích Bà Chúa Kho

Hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh lễ bái cầu tài cầu lộc. Việc cầu khấn ai cũng giống ai nhưng nguồn gốc, thân thế, sự nghiệp Bà Chúa Kho thì mỗi người hiểu mỗi khác. Vậy Bà Chúa Kho là ai?


Theo cuốn sách của tác giả Khánh Duyên, Sở VH - TT Hà Bắc ấn hành trước đây thì “Tên thật của bà chả ai rõ được (…) bà vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khổ ở Thôn Cổ Mễ (…). Nhà vua mời bà về cung lấy làm vợ…”. Sau đó vì nhớ nhà, vua cho về lập đồn điền, lại giao cho giữ kho lương thực bên sông Cầu ở phòng tuyến sông Như Nguyệt… Một cuốn sách khác có tên Lịch sử đền Bà Chúa Kho của hai tác giả Nguyễn Xuân Cẩn, Nguyễn Huy Hạnh nội dung cũng gần giống quyển trên. Ít lâu sau chân dung bà lại được tác giả Phan Huy Đông tái hiện trong hai tiểu thuyết Huyền thoại Bà Chúa Kho và Huyền thoại Bà Chúa Lẫm in chung một quyển do nhà xuất bản Văn hoá – Dân tộc phát hành đầu năm 1998. Ở “Lời nói đầu” tác giả đưa ra quan điểm “Sự tích Bà chúa Kho chỉ là những huyền thoại dân gian mà thôi (…) vấn đề tín ngưỡng đó thuộc chức năng các nhà nghiên cứu, các nhà chức trách, các nhà văn hoá…”.
Nhân vật Bà Chúa Kho trong Huyện thoại Bà Chúa Lẫm cũng mờ nhạt như mấy quyển kia, ngược lại trong Huyền Thoại Bà Chúa Kho thì thân phận nhân vật lại được miêu tả khá cặn kẽ như “bà là Lý Chiêu Phong, Công chúa thứ sáu của Vua Lý Thánh Tông, sau gả cho Hoàng Lục là quan trưởng ở Quảng Nguyên, bà được vua cha giao cho trông coi lương tiền quốc khố của triều đình…”. Rồi khi biết ý đồ nhà Tống đánh ta, vua liền “Chỉ thị cho công chúa (…) đặt một kho lương thảo, quốc khố ở mạn Kinh Bắc…”. Lại có một tài liệu khác tỉ mỉ hơn “Bà là Lý Chiêu Phong, con gái vua Lý Thánh Tông và hoàng hậu Thượng Dương, sinh ngày 12 tháng tư năm Giáp Ngọ - 1054 (…) làm chủ kho binh lương (Không nói đến tiền, vàng – TX) ở núi Cổ Mễ Tức Vũ Ninh. Bà tham gia chiến đấu chống quân Tống và anh dũng hi sinh ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tý, tức 16-2-1077 tại mặt trận sông Như Nguyệt…” .

Theo lịch sử Việt Nam thì nhà Tống xâm lược nước ta năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông (1072-1127). Trong trận ác chiến tại phòng tuyến địch ở đoạn sông Kháo Túc(Sông Cầu gần núi Nham Điền) quân ta đại thắng nhưng mở đầu chiến dịch bị tổn thất không nhỏ, hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn bị tử trận. Người chép sử dừng ở đó, hoàn toàn không nói đến sự tham chiến và hi sinh của công chúa Lý Chiêu Phong mà sau này là Bà Chúa Kho, Bà Chúa Lẫm.
Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang trong bài Đi tìm lại sự tích Bà Chúa Kho đăng trên tạp chí Xưa & Nay Viết “Vị nữ thần ở đền Cổ Mễ, Xã Vũ Ninh, thị xã Bắc Ninh được dân địa phương gọi là đền Bà Chúa Kho vốn là người họ Trần, sinh cuối đời vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224), quê ở làng Quả Cảm (…). Bấy giờ nhà Trần đã thay nhà Lý (…) Vua yêu mến bèn cho vời vào cung lập làm Hoàng Phi thứ ba (…) vài năm sau Hoàng Phi đang mang thai thì bị bệnh qua đời (…) an táng xây lăng ở đất đầu núi Hoàng Nghinh thuộc làng Quả Cảm (…) Riêng đền trong Cổ Mễ tức thôn Cổ Mễ tức thôn Cổ Mễ xây trên núi Kho (Lẫm Sơn) nên gọi là đền Bà Chúa trên núi Kho hoàn toàn không có ý nghĩa Bà Chúa coi kho tàng…”.

Trong công trình nghiên cứu, khảo sát công phu, tác giả đã chứng minh ở ta có hai phụ nữ được chính thức công nhận là Bà Chúa Kho. Đó là Lý Châu Nương coi kho Phụng Thiên, tự ải trong cuộc chiến với quân Nguyên – Mông, được vua Trần truy tặng “Quản trưởng Quốc khố công chúa”. Nhân dân làng Giảng Võ – nơi sinh và Diễn Châu – nơi bà đóng quân đều lập đền thờ tôn bà làm Phúc Thần, tức gọi Bà Chúa Kho. Người thứ hai là nàng Bạch Hoa được cha là quan Vệ Uý giao cho coi kho thành Nam Định đời vua Tự Đức (1848-1883) chống Pháp xâm chiếm nước ta. Bà tử trận trong trận đánh tháng 12-1873, Vua Tự Đức xét công phong tặng “Tiết liệt Anh phong giám thương Công Chúa”, hạ chiếu xây miếu thờ ở chân Cột Cờ Thành Nam. Nhân dânNam Định tôn Bà làm Thành Hoàng Đương Cảnh - Bản Xứ - Thổ Thần…
(Theo Toquoc)

Ngày xuân nói chuyện Thần tài


Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du không một chữ, một từ nào không đại diện thật đầy đủ cho ngôn ngữ Việt chúng ta. Về chữ “Tài”, Nguyễn Du đã dạy: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Theo, cụ người có “tài” mà không có đức, kênh kiệu, tự phụ, coi trời bằng vung sẽ ắt gặp tai nạn, tai ương... Nhân lúc thư giãn tôi lại chợt nghĩ tới chữ “tài” bên cạnh “tài giỏi” còn “tiền tài” để khuyên răn người đời làm ăn buôn bán muốn thành đạt thì hãy thờ Thần tài, nhưng nếu không biết tôn trọng điều mình tôn thờ thì Thần tài chẳng phù hộ, làm ăn sẽ thất bại, lúc ấy chẳng phải chữ “tai một vần” đó sao ? Nhân năm hết, Tết đến, mọi người mọi nhà chuẩn bị nô nức đón xuân, lúc tâm hồn sảng khoái, đầu năm chúc Tết cầu mong có tài có lộc... xin mạn phép bàn thêm về “Thần tài là ai ?”.

Từ lâu lắm rồi, hầu hết người buôn bán ở phương Đông, trong đó có nước ta, đều thờ Thần tài cầu mong làm ăn phát đạt. Hiện nay vào bất cứ một cửa hàng, cửa hiệu nào, kể cả người bán hàng tạp hóa, người sửa chữa xe đạp, xe máy... cũng đặt bát hương dưới đất, ngay cửa ra vào. Buổi sáng họ thắp nén hương, đặt hoa quả khấn vái cầu một ngày làm ăn gặp nhiều may mắn, tuy vậy, không phải ai cũng đặt bát hương thờ vị Thần này.

Vậy Thần tài là ai ? Ngày xưa, ở bên Trung Quốc có Âu Minh Anh là một người lái buôn thường mang hàng tới những nơi thôn cùng xóm vắng, đổi chác kiếm tiền độ nhật, nuôi sống gia đình. Chẳng giống những lái buôn khác chỉ bán đồ rởm, đồ giả, trốn lậu thuế... chàng Minh Anh buôn bán thật thà, tính tình niềm nở, xởi lởi, ngày nào quẩy gánh hàng trên vai, tối về hàng họ cũng bán hết. Một hôm Minh Anh đi tới bờ một cái hồ rộng lớn, bỗng nhiên trời nổi gió lớn, rồi một vị thần hiện ra. Vị thần ra hiệu cho chàng lại gần, giang cánh tay trao cho chàng một đứa bé kháu khỉnh mà bảo rằng:

- Nhà ngươi chỉ chuyên lo làm ăn, chất phác, chuyên cần. Ta cho ngươi đứa bé này, tên là Như Nguyên. Có nó trong nhà, người sẽ làm ăn thịnh đạt. Nhà ngươi hãy chăm sóc nó.

Minh Anh cảm tạ cụ già, rồi đem đứa bé về nuôi. Từ đó công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Một hôm chú bé Như Nguyên phạm lỗi, Minh anh cả giận, không kìm nổi, cho chú mấy cái cán chổi vào mông. Như Nguyên hoảng sợ trốn vào đống rác và sau dó biến mất luôn. Từ ngày Như Nguyên bỏ đi, Âu Minh Anh làm ăn sa sút, buôn bán không được như xưa nữa. Dân làng bàn tán xôn xao. Các vị bô lão trong vùng cho rằng Như Nguyên là một vị thần đã mang lại tốt lành, may mắn cho họ Âu mà chàng đã không biết chăm sóc, vun bồi. Từ đó, dân gian đã lập bàn thờ phụng vị thần mang tới phúc lợi cho họ, và đặt tên là Thần tài.

Ngày mồng Một Tết người ta kiêng quét nhà, hót rác là vì ngày xưa Như nguyên bị Âu Minh Anh nổi giận đuổi đánh, phải chạy trốn vào đống rác. Không quét nhà hót rác ngày Tết vì sợ đổ mất Thần tài, trong năm sẽ làm ăn xui xẻo ?

Điều kỳ thú là Như Nguyên trốn vào đống rác đã ngầm nhắc nhở những người lớn còn không nên răn dạy trẻ nhỏ bằng cán chổi, và rằng trong đống rác kia vẫn còn có thể sinh ra lợi nhuận, ở đó vẫn còn “tài” (tiền bạc). Quả thật, bây giờ có những nhà thầu đã giàu có từ những bãi rác khổng lồ.

Ngày nay, sự buôn bán diễn ra không chỉ ở chợ búa, siêu thị, sạp hàng mà ở khắp mọi nơi, mọi chỗ. Ai cũng mong Thần tài phù hộ độ trì. Thần tài vốn là một vị thần dân gian rất bình dị. Lúc đầu người ta thờ Thần tài ở dưới đất, trên một tấm ván hướng ra phía cửa chính, có hai câu đối hai bên:

Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khá xuất hoàng kim

Nghĩa nôm na của hai câu đối trên là: Đất đai có thể sinh ra bạc trắng, vàng ròng. Sau này các gia chủ “nịnh” Thần tài mới đóng cái khảm nhỏ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, thờ mà chẳng rõ nghĩa và cái thâm ý của 10 chữ Hán, hằng ngày vẫn xì xụp lễ, lâm râm khấn, liệu có phải vì thế mà Thần tài bị biến chất không ?

Ngẫm lại thơ của cụ Nguyễn Du “chữ tài liền với chữ tai một vần”, vận vào việc dân gian thờ Thần tài, tôi trộm nghĩ, chữ tài ở đây chắc chẳng để chỉ riêng tài ba, tài cán, tài giỏi... mà còn có thể là tiền tài. Vì thế mọi người hãy suy ngẫm, đặt bát hương thờ Thần tài ấy là việc không ai cấm đoán, tùy tâm. Nhờ có bát hương thờ Thần tài có người ăn nên làm ra, có người thất bát, thậm chí lụi bại, phải bán xới cửa hàng, cửa hiệu. Và thiển nghĩ: Chẳng Thần tài nào lại phù hộ, độ trì cho kẻ ăn gian nói dối. Thần tài có hay không, ở xã hội nào cũng cốt ở cái tâm sáng và có trí tuệ.
(HNM)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Khun Chang Khun Phaen – Sepha dân gian và thi phẩm cung đình


(Tg: Đào Thị Diễm Trang )
Khun Chang Khun Phaen (Khủn Cháng - Khủn Phẻn) là tác phẩm lớn của nền văn học truyền thống Thái Lan. Vị trí của Khun Chang Khun Phaen ở Thái Lan có thể sánh với vị trí của Ramayana ở Ấn Độ, Genji ở Nhật Bản, Xuân Hương truyện ở Triều Tiên hoặc Truyện Kiều ở Việt Nam. Khun Chang Khun Phaen đã tồn tại trong văn hóa dân gian từ rất lâu trước khi có văn bản tác phẩm chính thức, từng được ngâm sepha rất thường xuyên trong các dịp hội hè ở Thái Lan. Đến đầu thế kỷ XIX, tác phẩm được các vị vua Rama và một số thi sĩ cung đình chấp bút dưới hình thức thơ klon – một thể thơ của dân tộc Thái Lan. Khun Chang Khun Phaen được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là có chất văn chương cao, chủ đề mang tính dân tộc và thể hiện đậm nét các giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước. Tác phẩm mang những đặc điểm chính của truyện thơ đồng thời lại mang ít nhiều hơi hướm của sử thi và tiểu thuyết cổ điển.
1. Từ truyện kể dân gian đến thi phẩm cung đình
Khun Chang Khun Phaen là một tác phẩm đồ sộ về dung lượng, bao gồm 43 chương với 45.000 câu thơ klon. Tác phẩm được giới nghiên cứu văn học Thái Lan nhận định là khởi nguồn từ một câu chuyện có thật ở tỉnh Suphanburi, sau được truyền miệng và thêm thắt ngày càng nhiều chi tiết. Khun Chang Khun Phaen phổ biến rộng rãi trong dân chúng là nhờ công lao của các nghệ nhân hát sepha (xể pha). Chính những nghệ nhân này đã góp phần làm mở rộng nội dung, hệ thống nhân vật của tác phẩm thông qua quá trình diễn xướng. Người có công sưu tầm truyện Khun Chang Khun Phaen trong dân gian và tập hợp các thi sĩ viết lại tác phẩm là vua Rama II, tức Phutthaloetla Naphalai (trị vì trong khoảng thời gian 1809 –1824).
Về thời điểm “chuyển thể” truyện kể dân gian Khun Chang Khun Phaen thành một thi phẩm cung đình, các tài liệu nghiên cứu đều thống nhất là vào đầu thế kỷ XIX (và từ đây, để dễ phân biệt, chúng tôi tạm gọi là Khun Chang Khun Phaen dân gian và Khun Chang Khun Phaen cung đình). Vấn đề còn lại là thời điểm được phản ánh trong Khun Chang Khun Phaen. Theo hoàng tử Damrong – người đã giành nhiều công sức nghiên cứu và giới thiệu Khun Chang Khun Phaen – thì thời điểm được phản ánh trong tác phẩm là từ đầu thế kỷ XVI, tức thời của vua Ramathibodi II (khoảng năm 1500). Tuy nhiên, giả thuyết này khó có thể chính xác được vì sau cuộc tấn công của Myanmar vào Ayutthaya (năm 1767), người Thái Lan hầu như không còn giữ được bất cứ tư liệu lịch sử nào.
Từ điển văn học Đông Nam Á xác định truyện Khun Chang Khun Phaen xuất phát từ một “câu chuyện có thật về một võ quan triều đình thời vua Na Rê Xuổn (1590 – 1605)” [tr.295]. Chris Paker, nhà Thái Lan học người Anh đã có công dịch Khun Chang Khun Phaen sang tiếng Anh, căn cứ vào các sự kiện văn hoá, lịch sử được phản ánh trong tác phẩm, cũng đã đưa ra nhận định rằng: có thể bối cảnh trong tác phẩm là đất nước Thái Lan đầu thế kỷ XVII. Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng thời điểm trong tác phẩm có lẽ muộn hơn, khoảng vào thế kỷ XVIII. Trong cuốn Essay on Thai folklore, Phya Anuman Rajadhon nhận định Khun Chang Khun Phaen viết về thời kỳ Ayutthaya cách đây khoảng hai thế kỷ, tức thế kỷ thứ XVIII. Đức Ninh lại có ý kiến là “tác phẩm mô tả cuộc sống của xã hội trung cổ Thái Lan thế kỷ XVIII – XIX” [tr.568]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm có những lúc lẫn lộn giữa bối cảnh xưa và thời điểm được chấp bút. Điều này cũng dễ hiểu vì, như chúng ta đã biết, các nhà thơ sáng tác Khun Chang Khun Phaen là những người sống vào thế kỷ XIX nên không tránh khỏi việc vận dụng những yếu tố của thời đại vào tác phẩm.
Như vậy, thời điểm được phản ánh trong tác phẩm cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì mà tác phẩm thể hiện, có thể xác định rằng Khun Chang Khun Phaen phản ánh đời sống của người Thái vào hậu kỳ Ayutthaya, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Đây là giai đoạn mà người Thái đã hoàn thiện mô hình nhà nước phong kiến đồng thời có những cuộc tiếp xúc với người phương Tây. Từ thế kỷ XVI, các nước Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Hà Lan, Pháp lần lượt đến Thái để giao lưu văn hóa và trao đổi thương mại. Người Bồ Đào Nha “đã đem đến cho người Siam ba thứ, đó là nghệ thuật chế tạo súng, cách dùng súng trong chiến tranh và cách xây công sự chống đỡ súng đạn”. Dấu ấn văn minh này được phản ánh rất rõ trong Khun Chang Khun Phaen ở những đoạn viết về chiến tranh và quân sự.

2. Tóm tắt nội dung


Về nội dung, Khun Chang Khun Phaen cung đình gần như tôn trọng các sự kiện chính của Khun Chang Khun Phaen dân gian, có thể tóm tắt như sau:
Phlai Kaeo (sau này là Khun Phaen), Chang và Nang Phim (sau này là Nang Wanthong) là những người bạn từ thuở ấu thơ. Cả ba đều là con cái của những gia đình khá giả tại tỉnh Suphanburi. Trong một lần đi săn trâu rừng cùng nhà vua, Khun Krai, cha của Phlai Kaeo, đã giết đàn trâu dữ tợn muốn thoát ra khỏi rào và để một con trâu chạy vào rừng. Ông bị nhà vua xử tử, gia đình bị tịch biên gia sản. Thong Prasi, mẹ của Phlai Kaeo, phải ôm con trốn sang tỉnh Kanchanaburi. Cùng lúc đó, Khun Siwichai, cha của Chang, bị bọn cướp rừng xông vào nhà giết chết. Đồng thời, Phan Sonyotha, cha của Phim cũng bị bạo bệnh sau một lần đi buôn ở rừng về và qua đời.
Ở tuổi 15, Phlai Kaeo trở thành một chàng thanh niên khôi ngô, thông minh và dũng cảm. Chàng trở lại Suphanburi, quyết định vào chùa làm tu sĩ tập sự để được học hành. Phlai Kaeo tỏ ra xuất sắc hơn người ở hai môn: võ thuật và phép thuật. Trong khi đó, Chang càng lớn càng xấu xí, dốt nát nhưng rất giàu có, được thừa kế tước “khun” của cha, gọi là Khun Chang. Hắn luôn tìm cách đối đầu với Phlai Kaeo.
Nang Phim bấy giờ cũng đã là một thiếu nữ xinh đẹp nhất Suphanburi. Nàng tình cờ gặp lại tu sĩ Phlai Kaeo ở chùa trong mùa lễ Songkran. Họ phải lòng nhau lập tức và yêu nhau say đắm. Khun Chang cũng say mê Phim và cố hết sức để chiếm được Phim bằng sự giàu có của mình. Nhưng tình yêu đã chiến thắng. Phlai Kaeo từ bỏ áo cà sa, lấy Phim làm vợ. Phim nhận ra Phlai Kaeo là một người đàn ông rất đa tình nhưng vẫn yêu chàng tha thiết.

Tỉnh Chiang Thong bị giặc xâm chiếm. Khun Chang tâu với vua Phlai Kaeo là người tài trí phi thường. Nhà vua liền điều Phlai Kaeo ra trận. Khi ấy, chàng vừa cưới Phim chỉ được hai ngày.
Sau khi Phlai Kaeo ra đi, Phim bị bệnh nặng không thể nào chữa khỏi. Sư trụ trì Ju của chùa Palelai đổi tên Phim thành Wanthong để mang lại sự may mắn cho nàng. Khun Chang, nhân cơ hội Phlai Kaeo vắng mặt, đã loan tin khắp nơi rằng chồng Wanthong đã chết trong chiến trận, còn lấy xương thú giả làm xương của Phlai Kaeo. Siprajan, mẹ của Wanthong, sợ con góa bụa nên thúc giục con gái đồng ý lấy Khun Chang. Lúc đầu, Wanthong chống cự quyết liệt, nhưng sau đó, nghĩ là chồng mình thật sự đã chết, nàng chấp đành chấp nhận lấy Khun Chang.
Phlai Kaeo thắng trận ở miền Bắc và trở về trong danh tiếng. Chàng được bên thua trận dâng cho một cô gái xinh đẹp là Laothong. Nhà vua ban cho chàng tước “khun”, gọi là Khun Phaen. Khun Phaen đưa vợ mới về Suphanburi gặp Wanthong. Wanthong thường dùng lời lẽ khiếm nhã xỉ vả Laothong. Khun Phaen vừa trách thái độ của vợ cũ vừa giận chuyện nàng thay lòng đổi dạ nên chuyển đến Kanchanaburi cùng Laothong. Từ đó, Wanthong đành ở lại với Khun Chang, chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên người chồng tuy xấu xí nhưng rất đỗi yêu quý nàng.
Sau đó, cả Khun Chang và Khun Phaen đều được hoàng gia triệu tập, huấn luyện và được ở lại phụng sự triều đình. Ngày kia, Thong Prasi, mẹ của Khun Phaen báo tin Laothong bị bệnh nặng. Khun Phaen nhờ Khun Chang đổi phiên gác với mình. Khun Chang đồng ý nhưng ngày hôm sau, khi nhà vua hỏi về Khun Phaen thì Khun Chang bịa ra rằng Khun Phaen không làm tròn bổn phận, đã trèo tường về với vợ. Khun Phaen bị nhà vua trừng phạt bằng cách cấm chàng không được vào cung đồng thời giam giữ Laothong trong cung vĩnh viễn.

Giận Khun Chang phản trắc, Khun Phaen tự trang bị cho mình một thanh gươm thần, một con chiến mã và một loại hồn hộ mạng. Để tìm được những món này, Khun Phaen đi vào rừng và tình cờ tìm đến sơn trại của tướng cướp Muen Han. Nhờ cứu ông này thoát khỏi bò tót tấn công, Khun Phaen được vợ chồng tướng cướp gả cho đứa con gái duy nhất của họ là Buakhli. Tuy nhiên, khi phát hiện ra con rể có nhiều phép thuật hơn mình, Muen Han ganh ghét và sai Buakhli, bấy giờ đang mang thai, đầu độc Khun Phaen. May thay, Hongplai (một dạng hồn ma được tạo nên từ phép thuật) của Khun Phaen báo cho chàng biết âm mưu của kẻ giết người. Thế là, trong khi Buakhli đang ngủ, Khun Phaen ra tay giết chết nàng trước, đoạn, lấy đứa trẻ chưa chào đời trong bụng nàng ra và đọc thần chú để biến nó thành Kumarnthong (Đứa Con Vàng, một loại hồn luyện từ bào thai).

Sau đó, chàng tôi thanh gươm thần Fa Fuen và tậu con ngựa chiến Si Mok (Màu Sương Mù).
Khun Phaen đến Suphanburi, niệm thần chú khiến cho cả nhà Khun Chang ngủ say như chết. Chàng vào phòng em gái nuôi của Khun Chang là Kaeo Kiriya, dùng phép thuật mê hoặc để ân ái với nàng rồi mới bắt cóc Wanthong vào rừng. Hai người tận hưởng niềm vui lứa đôi trong rừng thẳm.
Khun Chang tâu với vua là Khun Phaen đang tập hợp bè đảng trong rừng chờ ngày tạo phản. Vua bèn phái hai viên quan của hoàng gia cùng nhiều tùy tùng vào rừng tìm Khun Phaen. Khun Chang cũng đi cùng đoàn quân này. Khun Phaen bị hai viên quan hoàng gia xúc phạm nên đã giết chết họ. Tàn quân tan tác. Do lúc này Wanthong đã có mang nên Khun Phaen đưa nàng về triều đình tự nộp mình. Sau một thời gian bị giam giữ, phiên tòa xử Khun Phaen diễn ra và chàng đã thắng kiện. Vua cho Wanthong trở về với Khun Phaen. Chàng sống hạnh phúc cùng Wanthong và Kaeo Kiriya.
Nhưng một lần nữa, chính Khun Phaen lại khiến nhà vua tức giận khi yêu cầu cho chàng trở lại với người vợ thứ hai là Laothong. Chàng bị tống giam với mức tù là 15 năm. Kaeo Kiriya vào tù chăm sóc Khun Phaen, còn Wanthong tá túc ở nhà một người bạn của Khun Phaen. Khun Chang nhân cơ hội đó đã bắt cóc Wanthong trở lại nhà mình. Nàng sống cùng Khun Chang và hạ sinh Phlai Ngam, đứa con trai của Khun Phaen.
Biết Phlai Ngam không phải con của mình, Khun Chang căm tức, dụ dỗ Ngam đi thật xa, đánh đập đến tắt thở và bỏ rơi cậu bé trong rừng. Tuy nhiên, Phlai Ngam đã được cứu sống nhờ Đứa Con Vàng của Khun Phaen. Wanthong quyết định gởi Phlai Ngam đến ở với bà nội tại Kanchanaburi. Khi trưởng thành, Phlai Ngam xin vào phục vụ hoàng gia để mong chuộc tội cho cha.
Vua xứ Langchan dâng cho vua Ayutthaya một cô gái đẹp tên là Sroi Thong. Sau đó, Sroi Thong bị vua xứ Chiang Mai bắt cóc và ông vua này còn thách thức gây hấn với nhà vua của Ayutthaya. Phlai Ngam tình nguyện ra trận dẹp quân Chiang Mai đồng thời thỉnh cầu nhà vua tha tội cho cha mình để hai cha con cùng ra trận.
Khun Phaen được ân xá để cùng Phlai Ngam chuẩn bị ra trận. Trong khi đó, Kaeo Kiriya hạ sinh một đứa con trai, đặt tên là Phlai Chumphon.
Trên đường ra Chiang Mai, Khun Phaen có dịp ghé thăm Phra Pichitra và Bushaba – đôi vợ chồng đã che chở cho Khun Phaen và Wanthong trong những ngày Wanthong bụng mang dạ chửa. Phlai Ngam gặp Simala, cô con gái xinh đẹp của Pichitra và kết hôn với nàng trước khi ra trận. Cha con Khun Phaen thắng trận vinh quang. Nhà vui rất hài lòng, thăng chức Phra Surinroechai cho Khun Phaen, chàng trở thành thủ lĩnh của tỉnh Kanchanaburi. Vua còn ban cho Phlai Ngam tước Phra Wai và thêm một người vợ nữa là Sroi Fa – con gái của Vua Chiang Mai bị thua trận.
Phra Wai muốn đưa mẹ Wanthong về cùng sống với mình và mong muốn mẹ đoàn tụ với cha nên đã đến nhà Khun Chang bắt cóc Wanthong. Khun Chang giận dữ đi kiện vua. Vua cho rằng Wanthong không thể có hai chồng nên bắt nàng phải lựa chọn. Nhưng Wanthong không thể bởi vì mỗi người đều có một ý nghĩa đối với nàng. Nhà vua nổi giận và khép nàng vào tội chết. Phra Wai thỉnh cầu vua cho mẹ mình được hoãn thi hành án nhưng thanh gươm oan nghiệt đã kết thúc cuộc đời Wanthong.
Người vợ sau của Phra Wai là Sroi Fa luôn cho rằng bà nội chồng và chồng mình yêu quý Simala nhiều hơn nên đâm oán ghét nàng. Sroi Fa nhờ một tu sĩ già tên Then Khuat giúp cho nàng thần chú để Phra Wai yêu nàng nhiều hơn. Dưới tác dụng của ma thuật, Phra Wai ngược đãi, đánh đập Simala. Phlai Chumphon cảm thấy bất bình nhảy vào can ngăn cũng phải chịu chung số phận với Simala. Chumphon chạy trốn khỏi nhà Phra Wai, đến Kanchanaburi thuật lại mọi chuyện cho Khun Phaen. Sau đó, Chumphon đến ở nhà ông bà ngoại ở Sukhothai và trở thành tu sĩ, chuyên chú học hành.
Nghe tin dữ từ Phlai Chumphon, Khun Phaen vội vã đến nhà Phra Wai khuyên nhủ con. Do bùa phép vẫn còn tác dụng, Phra Wai không tin những gì cha mình nói và còn dọa tống Khun Phaen vào ngục. Khun Phaen tức giận tuyên bố từ con và trở lại Kanchanaburi trong nỗi thất vọng.

Sau khi học xong, Phlai Chumphon hoàn tục, bàn với Khun Phaen dạy cho Phra Wai một bài học. Phlai Chumphon cải trang thành một người Môn tên là Samingmattra và đọc thần chú để tạo nên binh sĩ từ những bù nhìn rơm rồi đưa đến Suphanburi. Nhà vua cử Khun Phaen ra dẹp loạn nhưng chàng giả vờ thua cuộc rồi bị bắt làm con tin. Vua ra lệnh cho Phra Wai ra trận cứu Khun Phaen và đánh nhau với Phlai Chumphon. Trong suốt trận đánh, Khun Phaen bảo cho Phlai Chumphon cách bắt giữ Phra Wai trong khi Phra Wai vô cùng giận dữ vì cha mình lại giúp đỡ cho kẻ thù. Phra Wai trốn thoát được và đi tâu với nhà vua mọi việc. Nhà vua hiểu ra đây là một trò bịp bợm nên bảo Simala đi đón cha chồng và em chồng về hoàng cung. Sau đó, Phlai Chumphon tình nguyện bắt giữ kẻ đã sử dụng bùa phép đối với anh trai mình.
Phlai Chumphon bắt giữ Then Khuat và đào lên một hình nhân được làm từ bùa chú của hắn. Phlai Chumphon cho đốt hình nhân khiến bùa phép không còn hiệu nghiệm với Phra Wai nữa. Nhưng khi đêm xuống, Then Khuat dùng phép cắt đứt mọi xiềng xích và tẩu thoát.
Sroi Fa luôn luôn phủ nhận chuyện nàng nhờ người làm phép với Phra Wai, lại còn vu cáo cho Simala là có tình ý với Phlai Chumphon, vì bị nàng bắt gặp nên Phlai Chumphon mới chạy đến Kanchanaburi bịa chuyện với Khun Phaen. Để kết thúc phiên xử, vua buộc những người có liên quan phải đi qua một giàn lửa được dựng lên từ phép thuật. Trong khi mọi người bình an vô sự thì Sroi Fa bị bỏng nặng. Vua khép Sroi Fa vào tội chết nhưng Simala thỉnh cầu nhà vua khoan hồng. Vì vậy, Sroi Fa chỉ bị trục xuất khỏi Ayutthaya, phải trở về Chiang Mai.
Trên đường trở về nhà, Sroi Fa gặp lại Then Khuat. Hắn hộ tống nàng về Chiang Mai. Về đến quê hương, Sroi Fa hạ sinh một đứa con trai, đặt tên là Phlai Yong. Trong khi đó, Simala cũng sinh một đứa con trai, được ông nội Khun Phaen đặt tên là Phlai Phet.
Vua Chiang Mai phong cho Then Khuat chức tước vô cùng cao quý vì đã có công đưa công chúa trở lại quê nhà. Nhưng do lòng còn thù hận Phlai Chumphon, Khuat biến thành một con cá sấu trở về Ayutthaya giết rất nhiều người và súc vật. Phlai Chumphon tình nguyện trừ khử ác thú, đánh cá sấu chết. Mọi người lại sống trong thanh bình và hạnh phúc.


Khi sưu tầm và viết lại Khun Chang Khun Phaen, vua Rama II và các thi sĩ cung đình hầu như giữ lại tất cả các sự kiện chính của Khun Chang Khun Phaen dân gian, chỉ trau chuốt và mô tả tỉ mỉ thêm. Những người sáng tác Khun Chang Khun Phaen hiếm khi kí tên mình dưới mỗi chương nên hiện vẫn chưa rõ hoàn toàn tác giả của từng chương. Hiện nay, các bản Khun Chang Khun Phaen đầy đủ bằng tiếng Thái hay tiếng Anh ở Thái Lan đều có 43 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Sự ra đời của Khun Chang và Khun Phaen
Chương 2: Cha của Khun Chang và Khun Phaen
Chương 3: Phlai Kaeo làm tu sĩ tập sự
Chương 4: Phlai Kaeo trở thành người yêu của Phim
Chương 5: Khun Chang hỏi cưới Phim
Chương 6: Phlai Kaeo vào phòng của Saithong
Chương 7: Phlai Kaeo cưới Phim
Chương 8: Phlai Kaeo bị gọi ra chiến trận
Chương 9: Phlai Kaeo lãnh đạo quân đội
Chương 10: Phlai Kaeo lấy Laothong
Chương 11: Phim đổi tên thành Wanthong
Chương 12: Siprajan gả Wanthong cho Khun Chang
Chương 13: Phlai Kaeo trở thành Khun Phaen
Chương 14: Khun Phaen nói rõ hoàn cảnh của mình
Chương 15: Khun Phaen bị chia cắt khỏi Laothong
Chương 16: Sự ra đời của Đứa Con Vàng, con trai của Buakhli
Chương 17: Khun Phaen đến nhà Khun Chang lấy Kaeo Kiriya
Chương 18: Khun Phaen chạy trốn cùng Wanthong
Chương 19: Khun Chang đuổi theo Wanthong
Chương 20: Khun Chang vu cáo Khun Phaen tạo phản
Chương 21: Khun Phaen tự nộp mình
Chương 22: Khun Phaen chiến thắng phiên tòa chống lại Khun Chang
Chương 23: Khun Phaen bị tống giam
Chương 24: Sự ra đời của Phlai Ngam
Chương 25: Quốc vương xứ Lanchang dâng Nang Sroi Thong cho vua Phanwasa
Chương 26: Quốc vương Chiang Mai bắt Nang Sroi Thong
Chương 27: Phlai Ngam tình nguyện
Chương 28: Phlai Ngam lấy Nang Simala
Chương 29: Khun Phaen cứu nguy cho Phra Thainam
Chương 30: Khun Phaen và Phlai Ngam bắt vua Chiang Mai
Chương 31: Khun Phaen và Phlai Ngam đưa quân trở về
Chương 32: Sự dâng hiến của Sroi Thong và Sroi Fa
Chương 33: Hôn lễ của Phra Wai
Chương 34: Phát hiện tội lỗi của Khun Chang
Chương 35: Khun Chang thỉnh cầu nhà vua
Chương 36: Án tử hình của Wanthong
Chương 37: Sroi Fa thực hiện bùa yêu
Chương 38: Phra Wai bị bùa yêu tác động
Chương 39: Khun Phaen làm phản tác dụng của bùa yêu bằng gương
Chương 40: Phra Wai được gửi ra trận
Chương 41: Phlai Chumphon phát hiện ra bùa yêu
Chương 42: Sroi Fa và Simala chịu thử thách bằng lửa
Chương 43: Cá sấu Khuat
(Trích)

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Số phận nữ phù thuỷ cuối cùng của nước Anh


(Dân trí) - Năm 1944, Helen Duncan trở thành người phụ nữ cuối cùng ở Anh bị tuyên án “lạm dụng tà thuật”, là bởi trong một lễ gọi hồn cách đó không lâu bà đã vô tình tiết lộ bí mật động trời của chính phủ: âm mưu che đậy cái chết của 861 binh sĩ trên chiến hạm HMS Barham. Cũng giống như bao lần lên đồng khác, âm thanh rên rỉ não nề vang lên, kèm theo nước dãi trắng đục không ngừng ứa ra từ miệng - Helen Ducan bắt đầu nhập hồn.

Bất thần, không gian tĩnh lặng ma quái bị xé toang bởi tiếng còi lanh lảnh của đội vệ binh. Trong chớp mắt, cảnh sát bao vây kín đặc túp lều bói toán vùng Portsmouth, Hants và bắt giữ bà đồng nổi tiếng nhất nước Anh thời ấy.

Ngay sáng hôm sau, Helen Duncan - với biệt danh phù thủy Hellish Nell - bị đưa ra tòa chiếu theo Chương 4 của Đạo luật Yêu thuật năm 1735.

Phiên xét xử diễn ra nhanh gọn theo đúng mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, bởi hơn ai hết, Helen Duncan là nỗi lo ngại lớn nhất họ phải đề phòng nhằm bảo vệ tính tuyệt mật cho kế hoạch D-Day (cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Vịnh Seine ngày 6/6/1944, với sự trợ giúp của Anh và các nước đồng minh khác). Trước đó không lâu, giới lãnh đạo đã bí mật theo dõi Duncan sau khi nghe bà phong thanh tiên đoán: 1 tàu chiến của quân đội Anh sẽ bị đánh chìm khi tham chiến - mặc dù tin này đã bị chính phủ ém nhẹm nhằm trấn an gia đình binh lính ở quê nhà.

Rốt cuộc, quan tòa chỉ mất 30 phút để đưa ra bản luận tội. Helen Duncan trở thành người cuối cùng bị kết án “sử dụng yêu thuật” ở nước Anh.

Cuộc đời của “nữ phù thủy” danh tiếng nhất nước Anh thế kỷ 20

Helen Macfarlane chào đời năm 1897 trong một gia đình nghèo khổ ở Perthshire, miền trung Scotland, sau đó sinh trưởng tại miền quê Callander, Stirlingshire. Khi còn nhỏ, Helen đã sớm bộc lộ giác quan thứ 6 đặc biệt nhạy bén: tiên đoán Thế chiến thứ nhất kéo dài bao lâu, thậm chí biết trước sự ra đời của cỗ xe tăng đầu tiên trên thế giới.

Năm 1918, cô nàng Helen vác bụng bầu “vô chủ” đến định cư tại làng Dundee, sau đó kết hôn với Henry Duncan và có thêm 5 mặt con. Cũng thời gian này, khả năng thần giao cách cảm của Helen bắt đầu bộc phát, bà đi khắp đất nước để thực hiện những lễ gọi hồn thần bí làm kinh ngạc cả những kẻ đã có thời hoài nghi báng bổ.

Tài năng thiên phú của Helen thu hút được cả sự chú ý của giới học giả hàng đầu. Năm 1931, nhà nghiên cứu tâm linh Harry Price đã đích thân mời 2 vợ chồng tới tận Luân Đôn để “kiểm tra tính hư thực của những lời đồn đại”.
Hạt giống gieo thảm kịch bắt đầu nảy mầm vào ngày 25/12/1941: trên biển Địa Trung Hải, chiến hạm HMS Barham với sức nặng 29.000 tấn đang đột kích hạm đội Italia thì vấp phải 3 quả ngư lôi hạng nặng của quân đội Đức.
Con tàu khổng lồ bị nhấn chìm trong vài phút, kéo theo sinh mạng của tất thảy 861 binh sĩ xuống biển. Sau thất bại ê chề ở Blitz, chính phủ Anh quyết định giấu nhẹm sự kiện tang thương này. Thậm chí còn vờ gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh cho người thân binh sĩ.


Tuy nhiên, họ đã bỏ sót mấu chốt quan trọng nhất: năng lực tâm linh thần bí của Helen...

Vài ngày sau vụ đắm tàu, Helen làm lễ nhập hồn và “gọi” lên được một binh sĩ trên tàu HMS Barham luôn miệng rền rĩ: “Tàu bị đánh chìm”.

Tin tức nhanh chóng đến tai Bộ Hải quân Anh khiến họ sửng sốt và thận trọng dè chừng. Hai năm sau, tháng Giêng năm 1944, giới lãnh đạo cấp cao quyết định phải “đi trước một bước” nhằm đảm bảo tính tuyệt mật cho kế hoạch D-Days sẽ tiến hành vào tháng 6. Lệnh bắt Helen được thực thi ngay tắp lự.


Ban đầu người ta ngỡ Helen Duncan chỉ chịu án giam trong 9 tháng, nhưng sau đó, các nhà chức trách mắc bệnh hoang tưởng đã từ chối cho bà tại ngoại, tiếp tục giam giữ Helen chờ để xử tiếp tại tòa án Old Bailey.

Phiên tòa thứ 2 diễn ra trong 7 ngày. Ngày đó, toàn thể giới ông đồng bà cốt cả nước đã hợp sức bảo vệ Helen, cùng 44 nhân chứng xin thề những lời tiên đoán của bà không lừa dối. Dù vậy, mọi nỗ lực đều thất bại trong vô vọng.

Helen Duncan - nạn nhân cuối cùng trong “cuộc thanh trừng ma thuật” ở nước Anh - đã sống những ngày điên loạn cuối đời trong một bệnh viện ở Nottingham, từ trần vào ngày 6/12/1956.

Thùy Vân
Theo The Mirror

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Hình tượng nữ thần tài lộc, tình yêu - Nang Kwat

Tôi để hình lên trước. Khi nào rảnh rảnh sẽ viết bài chú thích thêm. Dạo này Tết nhứt đến nơi, lu bu khách khứa quá không có nhiều thì giờ như trước. Anh chị em thông cảm.