Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Một cây thuốc chữa lở loét hay !


Tôi được bà Mười ở Gành Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), một cán bộ hưu trí, kể về cây thuốc vô danh đã giúp bà chữa lành vết thương. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Mười nhiều lần bị địch bắt bỏ tù, bị tra tấn nên thân thể mang đầy thương tích. Có một vết thương đã lành hàng mấy chục năm, bỗng nhiên tái phát, lở loét trong cả năm trời. Bà Mười đã đến Viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn) điều trị cả tháng nhưng không khỏi.
Ngày nọ, bà được một người dân tộc thiểu số chỉ cho cây thuốc nam ở trên núi cao và bà đã đánh liều dùng nó trong những ngày còn nằm viện. Tối, bà lén đắp thuốc, sáng dậy sớm gỡ ra. Ba ngày sau, vết thương đỡ hẳn. Sau đó, bị các thầy thuốc ở viện phát hiện, bà phải nói thật là đã tốn cả chỉ vàng để thuê người lên núi cao ở các huyện Tây Sơn, An Lão (Bình Định) tìm cây thuốc và đã dùng để có được kết quả như đã thấy.

Được viện đồng ý cho điều trị bằng cây thuốc nói trên, trong vòng 10-15 ngày, vết thương của bà lành hẳn. Bà Mười bèn thuê người lên núi đào cây thuốc về trồng trong vườn nhà để chữa trị mỗi khi vết thương tái phát.

Chú tôi, ông Nguyễn Phú Mỹ, từng là du kích, bị thương ở đùi trong trận đánh xuân Mậu Thân 1968. Vết thương lành hơn 30 năm bỗng nhiên lở loét mà không hiểu vì sao. Ông cũng đã điều trị tại Viện Quân y 13 trong 40 ngày. Các bác sĩ ở viện đã phẫu thuật, róc bỏ phần thịt đã hoại tử rồi khâu lại, cho về nhà điều trị bằng kháng sinh liều cao. Suốt 20 ngày sau khi ông xuất viện, chất dịch vàng từ vết thương vẫn rò rỉ qua hai lỗ loét bằng ngón tay út.

Đến thăm ông, tôi chợt nhớ đến cây thuốc mà bà Mười đã kể và chỉ cho tôi xem dạo nọ. Bằng trí nhớ của mình, tôi đã tìm ra cây thuốc đó trên núi cao và mang về chỉ cho ông cách dùng: Cắt thân cây từng đoạn theo chiều dài của vết thương, cho vào bếp than nướng vừa chín lấy ra lột vỏ rồi dùng vật tròn (chai lọ) cán dẹp theo chiều rộng của vết thương, đắp vào, băng lại. Chú tôi dùng trong 5 ngày, vết thương khô ráo, khép miệng. Ông không dùng thuốc kháng sinh nữa mà chỉ đắp cây thuốc mà ông tin là có hiệu quả. Trong vòng 7 ngày, vết thương đã lành.

Anh Lê Ngọc Minh ở TP Tuy Hòa bị bệnh mạch lươn hơn 2 năm. Hơn một tháng sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên về, mạch lươn đã tái phát, mưng mủ. Tôi và anh đã đi tìm cây thuốc ấy ở khu vực suối nước nóng thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân). Đắp cây thuốc trong vòng 7 ngày, vết thương đã lành hẳn.

Tôi không biết mô tả thế nào về hình dáng, đặc tính của cây thuốc một cách chính xác. Chỉ biết rằng đây là một cây thuốc chữa trị các vết thương lở loét lâu ngày như mạch lươn, nhiễm trùng... rất hiệu nghiệm. Cây có đặc tính: thân nước (như cây sống đời), màu tím sẫm; lá hình thuổng, xanh đậm. Mong các lương y nghiên cứu về công dụng của cây thuốc này, sau khi có kết quả thì phổ biến để giúp những người như bà Mười, ông Mỹ, anh Minh...

MẠNH MINH TÂM
http://www.baophuyen.com.vn
( thêm ý kiến :tôi thấy cây nầy có mọc trên vùng thất sơn ,nhưng trên núi chứ không dưới chân núi ,có thể vào núi Trà sư tìm cây nầy khi mùa mưa xuống)

Điều trị ung thư?



gần đây, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, hàng trăm người đua nhau "săn" mua cây lược vàng (có nơi gọi là cây lan vòi) bởi họ hay tin loại cây này có thể chữa được "bách bệnh" với phương thức điều trị rất đơn giản: dùng lá cây để ăn sống; thân cây, vòi cây xắt mỏng ngâm với rượu!
Điều trị ung thư?
Theo ông Đỗ Quốc Biên, Chủ tịch Hội Khuyến học Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP Thanh Hóa (TTCTTETT), chúng tôi tìm đến nhà bà Trịnh Thị Chính (SN 1956, 240 đường Đội Cung, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa).
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ chừng 80 tuổi nhưng rất năng động, hoạt bát và không thấy biểu hiện của một người bị bệnh nan y. Bà xởi lởi, các cháu không biết đấy thôi, thời gian nằm điều trị sau khi mổ tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện K Hà Nội các bác sĩ chẩn đoán "chị có sống được cũng tính bằng ngày".
Người nhà bà Chính cho biết, thời gian đó, bà chỉ còn da bọc xương, da vàng như quả chanh bủng, tóc rụng gần hết...

"Khoảng cuối tháng 9-2006, thấy người nóng sốt, khó chịu và mệt mỏi, tôi đi kiểm tra sức khỏe... và biết mình bị bệnh u buồng trứng. Sau khi mổ cắt khối u buồng trứng, tôi nằm ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện K Hà Nội điều trị nhưng sức khỏe vẫn không tiến triển, gia đình xin đưa về nhà chăm sóc. Trước khi xin xuất viện, bác sĩ xét nghiệm máu lần nữa và chỉ định cứ 20 ngày lại phải vào bệnh viện để truyền thuốc...", bà Chính kể lại.
Vừa nói, bà bưng ra một bình rượu đã được ngâm từ lâu với đủ các thành phần nhưng nhiều nhất là cây lược vàng. Đây chính là phương thức điều trị của tôi đấy. Ngày tôi uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa vào bữa ăn, còn lá thì ăn sống, một ngày 6 lá.
Chúng tôi hỏi: Từ đâu mà bà biết dùng "thần dược" này? Bà Chính cho biết: Sau khi xuất viện, biết bệnh tình của mình khó qua khỏi nhưng còn nước còn tát, mọi người trong gia đình nghe ai giới thiệu thầy hay, thuốc tốt đều tìm đến mua.
Cũng trong thời gian đó, một đồng nghiệp trong TTCTTETT là bác Đặng Tiến ở thôn Tân Hới, xã Đông Hương đến thăm và khuyên tôi thử dùng cây lược vàng. Theo sự hướng dẫn của bác Tiến, ban đầu tôi thử ăn lá, ăn được một thời gian (khoảng 80 ngày), cộng với việc sử dụng các loại thuốc khác, thấy mình ăn được cơm và sức khỏe có tiến triển, tăng cân.
Vừa qua, bà Chính đi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ cho biết bệnh tình đã thuyên giảm.
Từ một bài báo
Lần theo địa chỉ bà Chính đưa, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Tiến, bắt gặp những chậu cây lược vàng với những cái vòi rũ xuống đặt san sát nhau trên tường.
Ông Tiến cho biết:
Năm 2006, tôi bị bệnh tắc động mạch vành cùng với bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Sau phẫu thuật, trong thời gian nằm điều trị, được một người bạn tặng cho tài liệu viết về tác dụng của cây lược vàng và một cây lược vàng để trồng.
Tài liệu đó là một bài báo đăng trên Tạp chí 30K-Sức khoẻ-Đời sống nước Nga, tác giả tên là Vladimir-Ogarkov. Bài báo viết rất chi tiết, cụ thể về những người Nga bị bệnh và công thức pha chế đối với những loại bệnh cụ thể.
Sau khi nghiên cứu tài liệu và đối chiếu với nhiều loại cây thảo mộc trong nước, tôi phát hiện ra cây địa lan có vòi (có nơi người dân còn gọi là cây cảnh lan vòi) chính là cây lược vàng.
Theo hướng dẫn của tài liệu, ông Tiến lấy từ 20 đến 40 đốt mắt của cây đem xắt mỏng và ngâm trong 0,5 lít rượu trắng và để vào chỗ tối (ngâm khoảng 15 ngày thì uống được).
Ông Tiến cho biết: Từ ngày uống rượu ngâm từ cây lược vàng thấy sức khỏe, sức đề kháng tăng, các chứng viêm nhiễm như loét lợi, viêm răng, rát cổ họng, táo bón không còn, đặc biệt là sức khỏe tim mạch được cải thiện.
Trước những công dụng và cách chữa dân gian đó, ông Tiến đã giới thiệu với những đồng nghiệp trong TTCTTETT để họ nhân giống, sử dụng.
Được biết, trong năm 2007 với bài thuốc dân gian từ cây lược vàng, TTCTTETT đã chữa khỏi bệnh cho hơn 70 bệnh nhân bị bệnh viêm họng, viêm răng, viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, viêm gan, viêm thận...
Và vừa qua, trung tâm trên đã khảo sát 52 người sử dụng cây lược vàng chữa bệnh, kết quả có 32 người chữa khỏi bệnh viêm họng, 21 người khỏi bệnh đau khớp xương, 8 người khỏi bệnh đau dạ dày...
Trước công dụng chữa bệnh của cây lược vàng, bác sĩ Nguyễn Thế Dân, Giám đốc TTCTTETT một mặt đã đề nghị Hội Liên hiệp khoa học tỉnh Thanh Hóa triển khai nghiên cứu, mặt khác trung tâm dành gần 1.000m2 đất để nhân giống hàng loạt và hy vọng trong tương lai các nhà khoa học, ngành y tế nghiên cứu về cây lược vàng và cách sử dụng để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên sớm có nghiêm cứu về vấn đề này.
Gia Thanh
Theo Sài Gòn Gải Phóng Online

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

5 thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại

(Dân trí) - Trận sóng thần tàn phá nặng nề đất nước Indonesia hồi tháng 12/2004 không phải là lần đầu tiên thiên nhiên trút giận lên quốc gia Đông Nam Á này. 10 giờ 02 phút sáng ngày 27/8/1883, núi lửa trên đảo Krakatoa - nằm trên eo biển Sunda giữa Java và Sumatra - phun trào. Nói đúng hơn, nó phát nổ.

Vụ nổ kinh thiên động địa trên đảo Krakatoa năm 1883.

1. "Vụ nổ Big Bang" trên đảo Krakatoa (năm 1883)

Vụ nổ long trời lở đất đã thổi bay tro bụi khắp không trung trong bán kính hơn 27 km. Âm thanh của nó đủ khiến cho người dân đảo Rodriguez - cách đó hơn 4.800 cây số - cũng phải giật mình. Áp suất nó gây ra làm tất cả phong vũ biểu ở Luân Đôn giật cao lên gấp 7 lần. Cả thế giới rung chuyển đến vài phút.



Hình minh họa đảo Krakatoa hồi thế kỷ 19

Chưa hết, vụ nổ làm dấy lên con sóng thần cao trên 30 mét đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra. Tàu bè bị hất phăng vào sâu trong đất liền, mắc kẹt giữa rừng rậm. Ngay cả thủy triều ở tận New York cũng bị dâng lên vài phân. 36.000 người đã bỏ mạng sau cơn triều cường khủng khiếp đó. Bản thân đảo Krakatoa thì bị đẩy chìm xuống lòng đại dương, nhiều năm sau nhờ một vụ núi lửa phun khác mới nổi lên trở lại.

2. Bệnh dịch “Cái chết đen” ở châu Âu (1347 - 1351)

Xuất phát từ một thuyền buôn trên Biển Đen “cập bến” thành phố Messina (đảo Sicily), lúc đầu người ta cứ ngỡ đó là bệnh truyền nhiễm từ gia cầm gia súc gì đó - kiểu như bò điên hay cúm gà. Nhưng thực chất, chính bọ chét mới là thủ phạm truyền bệnh từ chuột sang người.


Hình minh họa dịch bệnh “Cái chết đen” trong cuốn kinh Toggenburg (1411)

Tên gọi “Cái chết đen” được gắn cho bệnh dịch là bởi, thay vì những nốt sưng bạch hạch, khắp người bệnh nhân nổi lên đốm đem. Quái ác hơn, nó là sự tổng hợp của 4 dạng dịch bệnh chết người: dịch hạch, sốt thương hàn, nhiễn trùng máu và viêm phổi.

Dịch lan với tốc độ kinh hoàng. Buổi trưa phát ban là có thể tử vong ngay trong chiều tối. Ước tính 12 triệu người ở châu Á và 25 triệu người ở châu Âu (một phần ba dân số châu Âu) đã bỏ mạng.

3. Vụ nổ Tunguska ở Nga (năm 1908)

7 giờ 17 phút ngày 30/6/1908, vụ nổ mang sức nặng 15 triệu tấn (gấp hơn 1.000 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima) đã san bằng 1 vùng rộng lớn có bán kính gần 92 km thuộc khu vực Tunguska, Serbia. Những khung cửa kính cách đó 650 km cũng vỡ vụn vì rung chuyển.

Cánh rừng vẫn chết 20 năm sau vụ nổ Tungusta

Hai chục năm sau, năm 1927, người ta mới thực sự bắt tay vào điều tra nguyên nhân vụ nổ. Tuy nhiên đó chưa phải là điều kỳ khôi nhất. Một thực tế khiến ai cũng thấy lạ lùng: nổ to làm vậy nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào của hiện tượng núi lửa phun, mà cũng không để lại vùng bình địa nào. Điều này chứng tỏ có vật thể lạ phát nổ trong không trung - mà theo các nhà khoa học rất có thể đó là 1 hành tinh nhỏ hay đuôi sao chổi sa xuống địa cầu.

Dù sao cũng phải cảm ơn là mảnh thiên thạch đã phát nổ trước khi chạm đất, bằng không, khó lường trước số phận Trái đất sẽ ra sao. Không một ai thiệt mạng trong vụ nổ kinh thiên động địa này.

4. Vỡ hồ Conemough, Mỹ (năm 1889)

Hậu quả cơn đại hồng thủy để lại cho thị trấn Johnstown năm 1889

Hồ Conemough nằm cách thị trấn Johnstown, bang Pennsylvania (Mỹ) một đoạn dài hơn 2 chục cây số. Ngày 31/5/1889, sau 2 ngày mưa thối đất thối cát, thảm họa ập xuống khi con đập giữ nước hồ không đủ sức chịu đựng, vỡ tung.
Cột sóng cao 18 mét với tốc độ 64km/giờ ập xuống Johnstown, quét sạch toàn bộ thị trấn trong giây lát. Trớ trêu thay, Johnstown nằm xuôi bên dưới 1 nhà máy sản xuất dây cáp điện, vậy là đối phó chưa xong với cơn đại hồng thủy, những người dân bất hạnh đã bị phủ lên đầu hàng tấn dây điện có gai, chồng chéo lên nhau không làm sao mà thoát ra nổi. Tổng cộng, 2.209 người chết, trong đó bao gồm 99 đại gia đình.

5. Dịch cúm sau Chiến tranh thế giới lần I (1918-1919)

Thế giới chưa kịp hồi tỉnh sau cuộc Đại chiến lần thứ nhất thì đã lại bị kéo đại dịch cúm hoành hành trong năm 1918-1919. Xuất phát từ Trung Quốc nhưng bùng phát mạnh nhất ở Tây Ban Nha, vì thế bệnh dịch được gọi tắt bằng cái tên "cúm Tây Ban Nha".


Bệnh nhân cúm nằm chật cứng bệnh viện Funston, bang Kansas (Mỹ)

Một phần năm dân số thế giới đã nhiễm bệnh, con số tử vong ước chừng 40 triệu người - còn cao hơn cả số người chết trong 4 năm đại chiến. Ngay cả Woodrow Wilson - Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ - cũng chết vì căn bệnh này sau khi trở về từ Hội nghị Hòa bình ở Versailles.

Đặng Thùy
Theo Mental Floss