Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

võ sư “mèo"





Tôi muốn gọi ông là võ sư “mèo” bởi gia phái họ Lý của ông ngoài thế mạnh là hai môn roi và quyền thì còn có một tuyệt kỹ công phu nữa là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ Bình Định. Bài quyền ấy được ông nội ông mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo. Ba lần diện kiến với ông là ba lần tôi “sáng” trong sự uyên thâm của võ học. Võ sư “mèo” ấy chính là lão võ sư Lý Xuân Hỷ-Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định, ở thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn-Bình Định…


Giai thoại một võ sư …
Lần thứ nhất, tôi diện kiến với ông đúng ngày 1-1-2006 cùng anh Trần Văn Thưởng-nguyên PV của báo Thời báo kinh tế Việt Nam. Lần thứ 2, một ngày hè tôi đơn độc ghé nhà thăm ông. Trò chuyện và chơi với ông suốt cả ngày rất thoải mái. Ông rất vui và tôi cũng vậy. Dẫu năm 2007 này, mới bước vào tuổi 67 nhưng ông được xếp vào hàng “lão” võ sư. Phải nói rằng ông có một thành tích thật đáng nể về môn võ tự do. Trong khoảng 300 lần thượng đài từ Nam chí Bắc, từ thuở thanh niên 18 tuổi cho đến tận năm 35 tuổi, ông chỉ thua mỗi có một lần. Thành tích thắng như chẻ tre của ông khiến nhiều lần một người chỉ cân nặng 55 kg như ông được đặc cách “chiến đấu” với những võ sĩ có hạng cân nặng hơn, từ 65 đến 70 kg và ông vẫn luôn là người chiến thắng. Ông cười khề khà, bảo rằng “Thời cuả tôi ấy à, khi thi đấu võ tự do thì các võ sĩ chỉ mặc quần đùi và ở trần mà thượng đài thôi. Nhưng đánh nhau “đã” lắm !”.

Ban đầu, tuyệt chiêu của ông là đánh bằng chỏ. Đây là chiêu lợi hại nhất, biến hóa khôn lường khiến người ta phải sợ ông. Cái chỏ hạ nốc ao đối phương. Trong lúc đối phương công là cơ hội ông đánh chỏ. Suốt đời, ông vẫn luôn miệt mài luyện tập cái chỏ này. Thế đánh chỏ được gia đình ông rút ra từ sự lợi hại của cặp sừng động vật. Chỏ của ông giống như sừng trâu. Chỏ còn có tên gọi là ô du. Nhắc đến ông là người ta nhớ đến ô du : “Ô du là ngọn trâu dằn/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình/ Trung bình là miếng hiểm tâm/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình”. Ông bảo : “Muốn tập chiêu này phải dạn dĩ. Hồi ấy học trò của cha tui thường nói với học trò lớp sau rằng : “Các cháu đừng nên tập cái đó, mặt ổng bê tông cốt thép mới chịu lực được thôi, chứ bọn bay không chịu được nổi đâu…”. Vậy mà lũ học trò khoái chỏ, vẫn lì theo học cho bằng được nó và ngày sau đã có nhiều đứa nổi tiếng và còn đạt giải thi đấu quốc gia nữa …”.

Sự nổi tiếng về chỏ của ông đã khiến nhiều võ sư, võ sĩ ở khắp nơi ngưỡng mộ lẫn bất phục lặn lội tìm đến ông để giao lưu, học hỏi lẫn thách đấu. Trận đánh thách thức trên Gia Lai, ông vẫn còn nhớ như in. Năm ấy là năm 1969, võ sư “mèo” đã bị khiêu chiến. Một võ sư Thái cực đạo của Quân đoàn 2 (Ngụy), họ gì ông chẳng nhớ, chỉ nhớ ông ta tên Long, cùng tuổi. Tứ đẳng huyền đai, là người Việt Nam nhưng học võ Đại Hàn nên kênh kiệu lắm. Anh ta 68 kg, còn ông chỉ 55 kg. “Năm đó, tui cũng ở Gia Lai, bị bắt lính. Mỗi lần tổ chức võ đài (hồi đó tui vô địch Cao nguyên trung phần 4 tỉnh : Đắk Lắk, Kon Tum, Pleiku và Phú Bổn-giờ là huyện Ayun Pa – Gia Lai- từ năm 69 đến giải phóng), hắn cứ đi nói với mọi người thách thức đòi đánh tui. Ái dà, mà khi ấy hắn chỉ nói trong mỗi bận đi uống cà phê, đi chơi thôi. Ba năm liền, hắn cứ huênh hoang như vậy. Còn tui thì cứ đổi vùng tập, cứ đi Nha Trang về Bình Định rồi lại lên Gia Lai. Nhưng tui lúc nào cũng luôn luyện tập. Tui biết chắc là thế nào cũng phải thượng đài với tay võ sư ấy, nhưng chưa biết chắc lúc nào nó gọi đích danh mình. Tui nghe người ta nói lại, hắn tuyên bố một câu: “Đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh” (Minh Cảnh lúc đó là trọng tài, là thầy quyền anh của tui) … Hồi ấy, tui có thói quen chạy mỗi sáng. Sáng đó, tui giả bộ chạy vô quán cà phê hắn uống nằm và bảo với bạn bè, mình hết thể lực rồi, đi công tác miết không có thời gian tập, chắc là thượng đài thua thôi… Lúc ấy hắn ngồi đấy, tui làm như chẳng thấy hắn. Sáng hôm sau, các đoàn tới cáp chạn (cáp độ) để tối đánh. Hắn kêu đích danh tui. Tối đến, thượng đài, hắn bị tui hạ gục ngay nửa hiệp thứ 2. Hắn bị thương tích: gãy răng và “bay” hàng chân mày. Ấy cũng bởi hắn tấn công liên tục, mình giả đò dựa dây rin, hắn chạy tới công thẳng vào mặt mình. Mình gục xuống, đánh vào chấn thủy của hắn, khi hay hắn sụn rồi, mình câu đầu đối phương đập chỏ … Sau trận đó, hắn không bao giờ dám đấu với tui nữa …

Trận đánh giao hữu năm 1970 tại Gia Lai, lần đầu tiên trong đời ông bị thua. Trận đó, ông đánh với Lê Thanh Tịnh, cùng tuổi, cùng hạng cân 55 kg, người Sài Gòn. Ông này là võ sĩ võ cổ truyền cấp quốc gia, còn mình cấp tỉnh. Tay này cũng chơi chỏ nhưng chỉ có độc một cách đánh. Khán giả tích cực ủng hộ ông, dù rằng ông bị xử thua nhưng nhờ đó mà ông tiến thân cao hơn trong nghiệp võ. Anh ta bị thương rất nặng, bị chỏ của ông đánh trúng vào thượng bộ, trung bộ. Sáng hôm sau, anh ta tìm đến gặp ông và nói một câu rằng: “Trong đời tôi chơi chỏ nhưng chưa gặp ai có chỏ hay như anh” rồi đi về. Và một trận cách đây 4 năm (tức là năm ông tròn 62 tuổi) với một võ sư người Ý, 42 tuổi, nặng 120 kg, có ba năm học võ Tàu đến gặp ông để phân tài cao thấp. “Người đó đá rất hay. Tôi không phản công mà chỉ né. Những người đứng ngoài xem nói ông Tây đá hay quá, còn ông Hỷ thì né cũng lẹ quá”-ông Hỷ kể. “Tới chừng ông ta đá ngang mặt tôi, tôi đá tiếp một đòn phá chân trụ làm đối thủ ngã chúi xuống đất và … knock out luôn”. Sau đó, thể theo lời của khách, ông dạy cho ông người Ý ba đòn đá, đòn được ông ta cho là thế mạnh, trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Khi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào mà quan trọng là võ sĩ chiến thắng đã tinh nhuệ hơn đối phuơng của mình mà thôi”. Do đó, thắng không kiêu mà bại cũng không nản. Phải làm thế nào để đánh đối phuơng mà đối phương tránh không kịp, đứng im cho mình đánh. Đấy không phải nhờ vào sự nhanh nhẹn, giỏi giang mà nhờ vào mưu mẹo: Dùng trí lực mới thắng !

Võ sư “mèo” tâm sự: “Thật ra, tui giỏi chỏ, ngoài sự chỉ dạy của cha, còn có sự trợ giúp của sư phụ. Đấy là năm 1965, tui bị bắt lính lên Pleiku. Đến năm 1966, có gặp một ông thầy người Tàu, gọi là Tám Tàu, từ Thiếu Lâm Tự ra, rất giỏi võ. Tui học được thêm tuyệt chiêu của ổng. Ổng biết tui biết chỏ, ổng rèn luyện thêm. Tui học thêm ổng đến 6 năm để thi đấu đối kháng. Ông thầy thứ hai là thầy Minh Cảnh. Tui học thêm 3 tháng về quyền anh. Cha tui biết tui học võ ngoài, ông không la rầy mà còn khuyến khích học thêm… Bởi thế, tui được lĩnh hội nhiều cái hay trong võ thuật. Đã có một thời người ta gọi tui là “Hùm xám cao nguyên” khi tui vô địch Cao nguyên Trung phần. Hồi ấy tui với Rê mi Quỳnh-võ sư võ Việt Nam (mẹ người Việt, cha Pháp) là bạn thân. Người này giỏi võ lắm. Bây giờ anh ấy đang ở Pháp. Còn Trần Quang Chu cũng là mẹ Việt cha Pháp, dạy triết học, võ sư Karate, hè lại là ông ta qua Nhật học võ. Ông ấy cũng là bạn thân, nhưng giờ không biết lưu lạc ở đâu nữa…”. Tôi chợt thấy đôi mắt võ sư đượm buồn.

Công phu “Miêu tẩy diện” …!

Thú thật, ban đầu nghe ông nói chuyện võ thuật một đỗi thì tôi cứ gật gà gật gưỡng trong cơn mê ngủ. Chả là tôi mất ngủ mà lời ông cứ du dương làm mắt tôi cứ lim dim, lim dim và gật. Cho đến bận ông nhắc đến “chỉ” tôi mới giật cả mình, bật dậy khỏi nền nhà, như một phản xạ, ngón tay trỏ tay phải của tôi làm một “chỉ” thật nhanh, thật chuẩn xác giữa trán ông. Thế bác có biết Nhất dương chỉ không? Ông tròn mắt ngạc nhiên: “Con nhỏ này, mày cũng biết Nhất dương chỉ à? Khà …Khà …Tốt lắm …!”. Và rồi như bắt gặp được tri kỉ, thế là ông kể cho tôi nghe những chuyện võ học đời ông mà ông chưa từng kể với ai, kể cả một bí mật về “võ mèo” mà bấy lâu nay ông giấu kín. Bí mật ấy thấm đẫm cả những giọt nước mắt ân hận của ông. Câu chuyện mỗi lúc một lí thú hơn, nó không còn là lí thuyết suông nữa mà ông thực hành cho tôi thấy và tôi cũng học theo ông bài “Miêu tẩy diện”. Tôi và ông bỗng chốc trở thành một đôi bạn, không câu nệ tuổi tác, giới tính.

Bài “Miêu tẩy diện” ấy sẽ được sử dụng trong lúc đánh chỏ, ông lấy thế của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công. Bài quyền mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của mèo này là do ông nội ông sáng tạo ra, tính đến nay đã trên trăm năm. Nhập môn từ năm lên 10, đến năm 12 tuổi, võ sư “mèo” mới được cha truyền lại bài này. Ông cho biết để học thuộc nó chỉ mất khoảng hai ngày nhưng để đánh cho ra “bộ” thì phải mất cả tháng với điều kiện người đó phải có khiếu võ. “Khó nhất là tập thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới coi là đạt”. “Miêu tẩy diện”, nó tha thướt lắm, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng mạnh lắm, ít gây tiếng động. Bài này thật ra là mô tả sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của con mèo. “Miêu tẩy diện” có nghĩa là mèo rửa mặt. Phải để ý đến con mèo khi ngủ dậy, mèo ta “rửa mặt” bằng cách lấy bàn chân trước phải trái vuốt mắt. Để ý cọp cũng như mèo, cách tự vệ giống nhau. Nhờ cách “rửa mặt” mà con cọp chụp được gươm giáo. Mèo cũng vậy. Từ xưa nay người đánh cọp hiếm lắm. Bởi vậy, con cọp đứng đầu trong hàng võ, có tên gọi “Mãnh hổ tướng quân” đấy !

Như để giúp tôi thỏa mãn cơn “ghiền” võ, ông dẫn tôi ra sau vườn biểu diễn tuyệt chiêu “Miêu tẩy diện” và cả sự biến ảo khôn lường của ngọn Ô du. Ngoài sân tập, tôi không ngần ngại “tót” lên cây xà ngang lộn một vòng cho giãn gân cốt. Ông cười bảo rằng: “Con nhỏ này dạn thật ! Học võ tốt lắm! Nếu không ngại đường xa thì thứ 7, chủ nhật lên đây, bác dạy cho vài chiêu mà phòng thân khi đi đường bất trắc”. Vừa diễn ông vừa giảng giải cho tôi nghe. Trong võ phải có chí nghiên cứu động tác các con vật. Hãy tưởng tượng như con cọp đang rượt đuổi con nai, đang thẳng chân vươn rượt mà chân trước bắt chân con vật, còn một chân đè tới, phối hợp với nhau rồi dùng miệng cắn cổ con vật, có ghê gớm không? Nói ông cọp ác, nhưng ổng có cái hay của ổng đánh. Khi đánh nhau, ổng không đánh hùa mà chỉ ra từng ông. Ông này thua thì ông khác tới. Nghiên cứu ổng cũng thú vị lắm! Con mèo kia có cặp chân trước rất lanh, y như cọp vậy. Tập “Miêu tẩy diện” là phải tập cho được đôi tay. Đôi tay phải nhanh nhẹn. Bởi thế trong võ học nhanh nhẹn nhất, nguy hiểm nhất là cặp tay con cọp và mèo. Ông còn nhớ vào năm 1986, một võ sư lớn tuổi ở miền Nam mà ông gặp tại Tây Ninh có bảo với ông rằng: “Võ Bình Định “Túc bất li địa”, ông ta bảo tui làm sao thực hiện cho thấy bộ tay. Tui ngại ổng là người lớn tuổi nên bảo đưa người nhỏ tuổi lên tui làm cho thấy. Nhưng ổng kiên quyết bảo phải chính ổng mới được. Bộ tay của mình nằm trong bộ hổ. Khi mình thực hiện xong, ổng rất phục. Nói thiệt, võ Đại Hàn rất hay ở bộ chân. Nhưng bộ chân không đáng sợ bằng bộ tay vì chân ít khi đánh được huyệt đạo, còn tay thì biến hóa khôn lường…”.

“Trà dư tửu hậu”, ông kể cho tôi nghe chuyện năm 1990, ông đi Nga hơn hai tháng dự FESTIVAL võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Việt Nam có 3 đoàn, đi ba nơi khác nhau của xứ sở có dòng sông Đông êm đềm. Đoàn Bình Định đã đạt giải nhất toàn đoàn cả về đối kháng lẫn biểu diễn, trong đó chỉ có mỗi mình ông là võ sư. Ông Chủ tịch Hội võ thuật phương Đông- người Nga-đã hỏi ông rằng: “Võ Việt Nam, muốn có nhiều người học võ, có phương pháp nào để mọi người tập võ”. Ông trả lời: “ Võ gia ngũ luyện pháp” (Việt Nam nhà nhà đều luyện võ). Ngũ luyện pháp là: Phong dạ đăng sơn/ Hắc dạ đả quyền/ Nguyệt dạ luyện kiếm/ Vũ dạ cán binh/ Trí dạ tọa tĩnh (Buổi tối trời gió lên núi/ Đêm tối đánh quyền/ Trăng sáng luyện kiếm/ Đêm trời mưa đọc kinh/ Dùng trí ngồi luyện thiền). Ông ta nghe xong rất phục và bảo rằng: “Đất nước chúng tôi nói học võ để đàn áp, còn bây giờ tôi sẽ phấn đấu để nhân dân tôi được học võ như của nước bạn (Học võ để tu).

Dẫu bây giờ “danh trấn thiên hạ” nhưng võ sư Lý Xuân Hỷ luôn canh cánh nổi lo võ học Việt Nam sẽ bị thất truyền. Ông bảo cái chính của sự thất truyền võ thuật là do tâm lí sợ người ta hơn mình nên không đem ra chỉ hết. Hôm nay đã có 10 bài quyền qui định trong thi đấu nhưng theo ông nghĩ Việt Nam còn nhiều bí quyết võ công nữa, nhưng bằng cách nào thì Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng hãy tìm cho ra …”.

(Bài sưu tầm) .binhdinhffc.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét