Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010
Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Đi tìm hang hổ
Hang Bạch Hổ ở Vồ Thiên Tuế
Núi Cấm xưa kia có rất nhiều hổ với những truyền thuyết ly kỳ. Đến bây giờ nhiều người dân đi rừng vẫn còn nhìn thấy dấu chân chúa sơn lâm.
Từ những truyền thuyết, giai thoại về hổ trên vùng Bảy Núi, chúng tôi trở lại Thiên Cấm sơn để tìm hiểu. Hiện trên ngọn núi này có đến gần 10 hang hổ và theo người dân, trong số đó có nơi vẫn còn ông “ba mươi” trú ngụ.
Trận chiến ly kỳ
Tương truyền xưa kia, các võ sĩ ở miệt Thất Sơn thường đấu hổ, song lão đạo sĩ cuối cùng trên đỉnh Thiên Cấm sơn - Ba Lưới bảo đó chỉ là lời đồn thổi. Bởi theo ông, xưa kia hổ trên núi nhiều vô số kể nhưng đều là hổ tu không làm hại mà còn bảo vệ con người. Trong đó có hai con hắc hổ (hổ đen) và một con bạch hổ - chúa sơn lâm trên núi Cấm.
Rít điếu thuốc đỏ lừ, từ từ nhả khói, đạo sĩ già 97 tuổi, kể: Hồi đó ông lên núi tu chưa được bao lâu, độ khoảng năm 1940 thì phải. Ở phía đông nam có ngọn núi cao tên là núi Bà Đội Ôm (trên đỉnh núi có cục đá to như đầu người phụ nữ đội cà ôm). Hồi đó, trên núi này có rất nhiều ác thú. Người dân quanh vùng thường bị chúng phá phách, giết hại. Nhất là con hạm tinh (giống như hổ, nhưng chuyên ăn thịt người, xác chết, thịt thối) được coi là chúa tể của núi này.
Một ngày kia, hạm tinh băng rừng tìm theo đường mòn lên núi Cấm. Vừa tới cửa núi ở vồ Thiên Tuế đã bị hai con hổ đen chặn đánh. Lúc này trời bỗng nổi trận cuồng phong, các loài thú nhỏ thì tháo chạy, chim trời bay tứ tán. Biết có chuyện, những cư sĩ trên núi lúc bấy giờ trèo lên các ngọn cây cao xem thử. “Tình cờ tao và mọi người chứng kiến trận ác chiến đang diễn ra trên vồ đá to ngay cửa núi. Hai hổ đen xông vào nghênh chiến, xung quanh cả trăm hổ vằn ngồi lặng yên theo dõi. Sau nhiều giờ giao đấu không phân thắng bại, bỗng từ xa có tiếng gầm rú vang vọng cả núi rừng. Hai hổ đen dạt ra xa, bạch hổ bất ngờ xuất hiện, lao vào tấn công hạm. Chưa đầy nửa hiệp, chúa sơn lâm đã móc họng, giết chết hạm tinh và đẩy xác xuống vực sâu bên vồ Thiên Tuế. Núi Cấm trở nên yên ổn từ khi đó”, ông Ba Lưới kể.
Nghe mùi “khét”, chó chạy cong đuôi
Ông Đinh Phi Vân, nhà ở vồ Mồ Côi, núi Cấm cho biết mãi đến năm 2004 rừng núi Cấm vẫn còn thấy bóng dáng hổ. “Thỉnh thoảng đi rừng tôi vẫn bắt gặp dấu chân của “ông ba mươi” in rõ trên nền đất cứt trùng. Rừng trong khu vực của tôi còn rất hoang sơ nên có thể còn có cọp. Chó xóm tôi thường bỏ chạy cong đuôi khi ngửi được mùi “khét” đặc trưng của mấy “ổng” ”, ông Vân quả quyết.
Trên núi Cấm hiện nay có đến gần 10 hang được cho là hang hổ trước đây. Hang hổ cao nhất là trên đỉnh vồ Bò Hong, nằm bên vách núi cheo leo. Chúng tôi tìm đến hang hổ này nhưng nơi đây đã bị rào chắn lại không cho bất cứ ai vào thám hiểm. Trước đây do hiếu kỳ nhiều người đã tìm đến miệng hang nhưng vách đá cheo leo khiến có người tử nạn nên nơi đây đã trở thành khu vực cấm. Ông Đinh Thành Tươi, 78 tuổi, nhà ở động Thủy Liêm, núi Cấm, cho biết trước đây hang động này do ông Mười Thành (Trương Minh Thành, đã mất), nguyên chủ trì Phi Lai Cổ tự ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, đến ẩn tu. Sau khi ông Mười Thành bỏ hang động thì cọp đến ở. Từ đó người ta gọi là hang ông hổ hay điện ông hổ đến bây giờ.
Song, hiểm trở và kỳ bí nhất là hang hổ ở vồ Đá Dựng. Nằm bên vách đá dựng đứng, chúng tôi hết sức khó khăn, vất vả mới vào được trong hang. Hang đá không sâu lắm, chỉ độ chừng 7m, các gờ thành, miệng hang đá bóng loáng và trơn lùi như có vật gì đó cọ xát hằng ngày. Ngay trong hang và quanh quẩn khu vực hang này chúng tôi ngửi thấy có cái mùi “khen khét”. Quan sát xung quanh không thấy có ai đốt lá cây rừng hay đóng tàn un nào cháy dở nhưng mùi khét vẫn cứ luẩn quẩn đâu đó. Nhiều người bảo ở hang đá dựng này “ông ba mươi” vẫn còn trú ngụ nhưng thường lánh mặt con người vào ban ngày, chỉ đêm tìm về ngủ.
Theo nhiều người cho biết, ở vồ Thiên Tuế còn có đến 3 hang hổ, trong đó một hang nằm dưới bờ vực sâu là hang bạch hổ, một hang ở ngay nhà lão đạo sĩ Ba Lưới và hang còn lại ở điện Bát Tiên. Khu vườn phía sau nhà lão đạo sĩ Ba Lưới còn y vẻ nguyên sơ với rất nhiều hang đá trông vô cùng kỳ bí. Chỉ cho chúng tôi cái hang hổ ngay dưới gốc một cây cổ thụ, ông Ba Lưới nói nơi đây xưa kia có rất đông cọp beo tụ họp. Còn hang hổ ở điện Bát Tiên chỉ sâu khoảng 3m. Chúng tôi phải đưa chân vào miệng hang rồi từ từ tuột xuống. Song, bên trong bụng hang rộng đến cỡ 2m, cao vừa vặn đầu người ngồi. Nếu nhìn từ bên trong hang ra ngoài, trần hang có dốc nghiêng giống như một mái nhà.
Phía đông bắc vồ Thiên Tuế có rất nhiều phiến đá dựng cheo leo. Từ đỉnh vách đá này đến triền dốc nơi có hang bạch hổ cao đến hàng chục mét. Vậy mà, theo các bậc cao niên trên núi Cấm nói rằng nơi đó là đại bản doanh của chúa sơn lâm ngày trước. Mỗi cú nhảy của chúa sơn lâm đã lên đến đỉnh dốc đá dễ dàng. Ngày nay, do có nhiều khách hành hương đến tham quan, cúng viếng hang bạch hổ nên đã được xây dựng các bậc thang dẫn từ đầu dốc cao xuống miệng hang. Chúng tôi chui vào tận hang sâu tăm tối trong cảm giác lo sợ lẫn tò mò. Để khám phá bên trong, mỗi người chúng tôi phải cầm theo một cây nến. Ngay trước miệng hang có tượng của bạch hổ bệ vệ ngồi trấn ải. Miệng hang nhẵn bóng, vừa vặn cho một người chui lọt. Hang sâu độ hơn 6m, hai bên thành đá cũng nhẵn bóng. Bên trong hang khá rộng, càng vào sâu càng lớn ra và dù tối om nhưng không ngột ngạt. Cuối đáy hang là một “gian phòng” rộng có phiến đá dài. “Đó là giường ngủ của bạch hổ”, người dẫn đường cho biết.
Thanh Quốc - Chí Nhân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
-
Môn phái Năm Ông ,là theo tiếng gọi của dân học Thần quyền Nam bộ từ nhửng năm 1920,nhưng nói 5 Ông thôi thì tối nghỉa quá ,vì bất kỳ hì...
-
Môn phái 5 ông phật xiêm ,gồm thờ 5 hình vị phật ,4 vị mặc áo vàng hở vai phải ,vị trên cùng có hình dáng 1 chư thiên, không mặc cà sa vàng ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét