Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010
Những hang động Thất Sơn huyền bí: Điện Mười Ba, hang Công Đức
Mỗi người khi qua được cửa “mẹ đẻ” đều gõ vào chuông đá ở tầng điện thứ 13
Điện Mười Ba còn được gọi là điện Mẹ và hang Công Đức ở núi Cấm là hai hang động được nhiều khách hành hương, du lịch tìm đến.
Điện Mười Ba nằm chếch về hướng đông bắc của núi Cấm. Vì có tất cả 13 tầng, mỗi tầng đều có cửa thông suốt với nhau và một nơi để cho du khách có thể thắp hương cầu nguyện khi đi qua nên hang động này gọi là điện Mười Ba.
Vào cửa “mẹ đẻ”
Từ đỉnh núi, nơi đánh dấu khu vực điện, để đi xuống được đến cửa vào hang phải băng qua những bậc thang thẳng đứng, gập ghềnh và nhiều mỏm đá cao, cheo leo. Nhìn từ bên ngoài, điện Mười Ba trông bình thường như bao hang đá khác, nhưng khi đặt chân vào bên trong mới biết được sự huyền bí và cảm nhận được điều kỳ diệu của các tầng điện. Mặc dù chỉ có một lối đi lớn thông suốt trong 13 tầng điện, thế nhưng nếu không có người dân địa phương dẫn đường, khách lạ rất dễ bị lạc trong mê cung đá mà không cách nào tìm được lối ra. Vì thế, không phải bất cứ ai cũng có đủ can đảm chinh phục hang động huyền bí này.
Chúng tôi lần theo vách đá xuống cửa hang với những cây nến cháy sáng trên tay. Vừa bước vào cửa hang thì cả không gian tối om bao phủ, không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đi được một đoạn, đến quãng trống khá rộng rãi trong hang, nơi có đặt chiếc lư hương còn nghi ngút khói, Hưng, người dẫn đường nói đã chinh phục được cửa đầu tiên. “Phía sau chiếc lư hương là cửa thông qua tầng điện thứ 2 và càng về sau cửa sẽ càng nhỏ hẹp lại. Đặc biệt ở cửa thứ 12 qua cửa 13 rất nhỏ hẹp, nhìn thấy ai cũng sợ mình chui qua không lọt. Tuy nhiên, phải biết cách, thò đầu qua trước rồi luồn lách thân mình thì dù người mập hay ốm đều qua cửa dễ dàng”, Hưng quả quyết.
Cũng theo lời Hưng thì qua được cửa này là đã chinh phục được cửa... “mẹ đẻ”, coi như kết thúc hành trình. Đặc biệt hơn, trước cửa ra của tầng điện thứ 13 có một mỏm đá được gọi là “chuông đá”. Mỗi người khi qua được cửa “mẹ đẻ” đều nhặt lấy một cục đá trong hang gõ vào chuông đá. Kỳ lạ thay, phiến đá phát ra những âm vang rất thanh nhã và trầm ấm như tiếng chuông khiến lòng người thanh thản.
“Đo” công đức
Khách hành hương lên núi Cấm thường truyền tai nhau rằng sau khi đi khắp năm non, cúng viếng tất cả chùa chiền thì phải ghé lại hang Công Đức. Sở dĩ tên gọi của hang như thế vì có giai thoại rằng dưới hang kia là một cán cân bằng đá, có khả năng đo được công đức của con người.
Trong lòng điện Mười Ba
Ngày nay, hang Công Đức chỉ là một hang nhỏ nằm trong điện Ông Thẻ, trong quần thể hang Bác Vật Lang. Một ông lão làm trong một Hội Chữ thập đỏ chuyên đi rừng hái thuốc, kể với chúng tôi ông đã từng chứng kiến điều kỳ diệu ở hang Công Đức. Theo lời kể của ông lão này, một người phụ nữ cao lớn bước xuống hang thì cả người đều bị khuất sâu dưới hang, chỉ ló từ cằm đến đầu, nghĩa là có nhiều công đức. Rồi một bé gái bước xuống hang thình lình chiếc cân đẩy cả người em lên cao khỏi miệng hang, là vì còn nhỏ nên chưa có bao nhiêu công đức. Nhiều người khẳng định hang này là thước đo công đức của con người. Từ những câu chuyện truyền miệng như thế, hang Công Đức lại được rất nhiều người vô tình hay cố ý đồn thổi, thêu dệt bao điều huyền hoặc.
Để khám phá thực hư hang Công Đức, chúng tôi đã chui vào điện Ông Thẻ với lối đi vô cùng chật hẹp. Người đi phải lách, bò, trườn qua những kẽ đá, thạch nhũ vừa vặn thân mình. Điện Ông Thẻ là một hang đá tự nhiên. Đến nơi đặt chiếc lư hương để viếng Ông Thẻ nhìn sang bên trái có một khoảng rộng nhưng tối om, nơi đó là hang Công Đức. Hang này nhỏ và cạn, chỉ là một hang suôn đứng, vừa vặn một thân hình người. Bên cạnh đó, có một khoảng trống vừa chỗ cho một người ngồi đợi đến lượt xuống hang.
Anh Kiếm, một thổ địa ở Thiên Cấm sơn, rành rẽ mọi ngõ ngách hang động trên ngọn núi này và là người dẫn đường cho chúng tôi. Anh Kiếm cho rằng hang này chẳng có gì huyền bí mà chủ yếu do sự tín ngưỡng, niềm tin của mỗi người rồi về truyền miệng nhau mà thôi. Khi chúng tôi bước chân xuống, ánh sáng duy nhất là cây nến nhỏ le lói chỉ soi thấy mặt người ở cự ly gần. Miệng hang chật hẹp, thân hình gầy nhom nhưng để chân xuống đụng đáy hang cũng không phải dễ dàng. Khi chân chạm gờ đất dưới cùng trong hang thì miệng hang tới ngang vai.
“Độ sâu của hang là cố định nhưng những người mê tín dị đoan vào đây đo công đức thì cho ra nhiều kết quả khác nhau. Muốn người khác nghĩ mình công đức nhiều thì người trong hang khuỵu chân xuống để miệng hang đến gần mũi, gần đầu. Họ chỉ tự gạt mình chứ hang đá làm gì có thước nào mà đo công đức”, anh Kiếm nói.
Thanh Quốc - Chí Nhân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
-
Môn phái Năm Ông ,là theo tiếng gọi của dân học Thần quyền Nam bộ từ nhửng năm 1920,nhưng nói 5 Ông thôi thì tối nghỉa quá ,vì bất kỳ hì...
-
Môn phái 5 ông phật xiêm ,gồm thờ 5 hình vị phật ,4 vị mặc áo vàng hở vai phải ,vị trên cùng có hình dáng 1 chư thiên, không mặc cà sa vàng ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét