(Dân trí) - Trận sóng thần tàn phá nặng nề đất nước Indonesia hồi tháng 12/2004 không phải là lần đầu tiên thiên nhiên trút giận lên quốc gia Đông Nam Á này. 10 giờ 02 phút sáng ngày 27/8/1883, núi lửa trên đảo Krakatoa - nằm trên eo biển Sunda giữa Java và Sumatra - phun trào. Nói đúng hơn, nó phát nổ.
Vụ nổ kinh thiên động địa trên đảo Krakatoa năm 1883.
1. "Vụ nổ Big Bang" trên đảo Krakatoa (năm 1883)
Vụ nổ long trời lở đất đã thổi bay tro bụi khắp không trung trong bán kính hơn 27 km. Âm thanh của nó đủ khiến cho người dân đảo Rodriguez - cách đó hơn 4.800 cây số - cũng phải giật mình. Áp suất nó gây ra làm tất cả phong vũ biểu ở Luân Đôn giật cao lên gấp 7 lần. Cả thế giới rung chuyển đến vài phút.
Hình minh họa đảo Krakatoa hồi thế kỷ 19
Chưa hết, vụ nổ làm dấy lên con sóng thần cao trên 30 mét đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra. Tàu bè bị hất phăng vào sâu trong đất liền, mắc kẹt giữa rừng rậm. Ngay cả thủy triều ở tận New York cũng bị dâng lên vài phân. 36.000 người đã bỏ mạng sau cơn triều cường khủng khiếp đó. Bản thân đảo Krakatoa thì bị đẩy chìm xuống lòng đại dương, nhiều năm sau nhờ một vụ núi lửa phun khác mới nổi lên trở lại.
2. Bệnh dịch “Cái chết đen” ở châu Âu (1347 - 1351)
Xuất phát từ một thuyền buôn trên Biển Đen “cập bến” thành phố Messina (đảo Sicily), lúc đầu người ta cứ ngỡ đó là bệnh truyền nhiễm từ gia cầm gia súc gì đó - kiểu như bò điên hay cúm gà. Nhưng thực chất, chính bọ chét mới là thủ phạm truyền bệnh từ chuột sang người.
Hình minh họa dịch bệnh “Cái chết đen” trong cuốn kinh Toggenburg (1411)
Tên gọi “Cái chết đen” được gắn cho bệnh dịch là bởi, thay vì những nốt sưng bạch hạch, khắp người bệnh nhân nổi lên đốm đem. Quái ác hơn, nó là sự tổng hợp của 4 dạng dịch bệnh chết người: dịch hạch, sốt thương hàn, nhiễn trùng máu và viêm phổi.
Dịch lan với tốc độ kinh hoàng. Buổi trưa phát ban là có thể tử vong ngay trong chiều tối. Ước tính 12 triệu người ở châu Á và 25 triệu người ở châu Âu (một phần ba dân số châu Âu) đã bỏ mạng.
3. Vụ nổ Tunguska ở Nga (năm 1908)
7 giờ 17 phút ngày 30/6/1908, vụ nổ mang sức nặng 15 triệu tấn (gấp hơn 1.000 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima) đã san bằng 1 vùng rộng lớn có bán kính gần 92 km thuộc khu vực Tunguska, Serbia. Những khung cửa kính cách đó 650 km cũng vỡ vụn vì rung chuyển.
Cánh rừng vẫn chết 20 năm sau vụ nổ Tungusta
Hai chục năm sau, năm 1927, người ta mới thực sự bắt tay vào điều tra nguyên nhân vụ nổ. Tuy nhiên đó chưa phải là điều kỳ khôi nhất. Một thực tế khiến ai cũng thấy lạ lùng: nổ to làm vậy nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào của hiện tượng núi lửa phun, mà cũng không để lại vùng bình địa nào. Điều này chứng tỏ có vật thể lạ phát nổ trong không trung - mà theo các nhà khoa học rất có thể đó là 1 hành tinh nhỏ hay đuôi sao chổi sa xuống địa cầu.
Dù sao cũng phải cảm ơn là mảnh thiên thạch đã phát nổ trước khi chạm đất, bằng không, khó lường trước số phận Trái đất sẽ ra sao. Không một ai thiệt mạng trong vụ nổ kinh thiên động địa này.
4. Vỡ hồ Conemough, Mỹ (năm 1889)
Hậu quả cơn đại hồng thủy để lại cho thị trấn Johnstown năm 1889
Hồ Conemough nằm cách thị trấn Johnstown, bang Pennsylvania (Mỹ) một đoạn dài hơn 2 chục cây số. Ngày 31/5/1889, sau 2 ngày mưa thối đất thối cát, thảm họa ập xuống khi con đập giữ nước hồ không đủ sức chịu đựng, vỡ tung.
Cột sóng cao 18 mét với tốc độ 64km/giờ ập xuống Johnstown, quét sạch toàn bộ thị trấn trong giây lát. Trớ trêu thay, Johnstown nằm xuôi bên dưới 1 nhà máy sản xuất dây cáp điện, vậy là đối phó chưa xong với cơn đại hồng thủy, những người dân bất hạnh đã bị phủ lên đầu hàng tấn dây điện có gai, chồng chéo lên nhau không làm sao mà thoát ra nổi. Tổng cộng, 2.209 người chết, trong đó bao gồm 99 đại gia đình.
5. Dịch cúm sau Chiến tranh thế giới lần I (1918-1919)
Thế giới chưa kịp hồi tỉnh sau cuộc Đại chiến lần thứ nhất thì đã lại bị kéo đại dịch cúm hoành hành trong năm 1918-1919. Xuất phát từ Trung Quốc nhưng bùng phát mạnh nhất ở Tây Ban Nha, vì thế bệnh dịch được gọi tắt bằng cái tên "cúm Tây Ban Nha".
Bệnh nhân cúm nằm chật cứng bệnh viện Funston, bang Kansas (Mỹ)
Một phần năm dân số thế giới đã nhiễm bệnh, con số tử vong ước chừng 40 triệu người - còn cao hơn cả số người chết trong 4 năm đại chiến. Ngay cả Woodrow Wilson - Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ - cũng chết vì căn bệnh này sau khi trở về từ Hội nghị Hòa bình ở Versailles.
Đặng Thùy
Theo Mental Floss
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét