Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Ngày xuân nói chuyện Thần tài


Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du không một chữ, một từ nào không đại diện thật đầy đủ cho ngôn ngữ Việt chúng ta. Về chữ “Tài”, Nguyễn Du đã dạy: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Theo, cụ người có “tài” mà không có đức, kênh kiệu, tự phụ, coi trời bằng vung sẽ ắt gặp tai nạn, tai ương... Nhân lúc thư giãn tôi lại chợt nghĩ tới chữ “tài” bên cạnh “tài giỏi” còn “tiền tài” để khuyên răn người đời làm ăn buôn bán muốn thành đạt thì hãy thờ Thần tài, nhưng nếu không biết tôn trọng điều mình tôn thờ thì Thần tài chẳng phù hộ, làm ăn sẽ thất bại, lúc ấy chẳng phải chữ “tai một vần” đó sao ? Nhân năm hết, Tết đến, mọi người mọi nhà chuẩn bị nô nức đón xuân, lúc tâm hồn sảng khoái, đầu năm chúc Tết cầu mong có tài có lộc... xin mạn phép bàn thêm về “Thần tài là ai ?”.

Từ lâu lắm rồi, hầu hết người buôn bán ở phương Đông, trong đó có nước ta, đều thờ Thần tài cầu mong làm ăn phát đạt. Hiện nay vào bất cứ một cửa hàng, cửa hiệu nào, kể cả người bán hàng tạp hóa, người sửa chữa xe đạp, xe máy... cũng đặt bát hương dưới đất, ngay cửa ra vào. Buổi sáng họ thắp nén hương, đặt hoa quả khấn vái cầu một ngày làm ăn gặp nhiều may mắn, tuy vậy, không phải ai cũng đặt bát hương thờ vị Thần này.

Vậy Thần tài là ai ? Ngày xưa, ở bên Trung Quốc có Âu Minh Anh là một người lái buôn thường mang hàng tới những nơi thôn cùng xóm vắng, đổi chác kiếm tiền độ nhật, nuôi sống gia đình. Chẳng giống những lái buôn khác chỉ bán đồ rởm, đồ giả, trốn lậu thuế... chàng Minh Anh buôn bán thật thà, tính tình niềm nở, xởi lởi, ngày nào quẩy gánh hàng trên vai, tối về hàng họ cũng bán hết. Một hôm Minh Anh đi tới bờ một cái hồ rộng lớn, bỗng nhiên trời nổi gió lớn, rồi một vị thần hiện ra. Vị thần ra hiệu cho chàng lại gần, giang cánh tay trao cho chàng một đứa bé kháu khỉnh mà bảo rằng:

- Nhà ngươi chỉ chuyên lo làm ăn, chất phác, chuyên cần. Ta cho ngươi đứa bé này, tên là Như Nguyên. Có nó trong nhà, người sẽ làm ăn thịnh đạt. Nhà ngươi hãy chăm sóc nó.

Minh Anh cảm tạ cụ già, rồi đem đứa bé về nuôi. Từ đó công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Một hôm chú bé Như Nguyên phạm lỗi, Minh anh cả giận, không kìm nổi, cho chú mấy cái cán chổi vào mông. Như Nguyên hoảng sợ trốn vào đống rác và sau dó biến mất luôn. Từ ngày Như Nguyên bỏ đi, Âu Minh Anh làm ăn sa sút, buôn bán không được như xưa nữa. Dân làng bàn tán xôn xao. Các vị bô lão trong vùng cho rằng Như Nguyên là một vị thần đã mang lại tốt lành, may mắn cho họ Âu mà chàng đã không biết chăm sóc, vun bồi. Từ đó, dân gian đã lập bàn thờ phụng vị thần mang tới phúc lợi cho họ, và đặt tên là Thần tài.

Ngày mồng Một Tết người ta kiêng quét nhà, hót rác là vì ngày xưa Như nguyên bị Âu Minh Anh nổi giận đuổi đánh, phải chạy trốn vào đống rác. Không quét nhà hót rác ngày Tết vì sợ đổ mất Thần tài, trong năm sẽ làm ăn xui xẻo ?

Điều kỳ thú là Như Nguyên trốn vào đống rác đã ngầm nhắc nhở những người lớn còn không nên răn dạy trẻ nhỏ bằng cán chổi, và rằng trong đống rác kia vẫn còn có thể sinh ra lợi nhuận, ở đó vẫn còn “tài” (tiền bạc). Quả thật, bây giờ có những nhà thầu đã giàu có từ những bãi rác khổng lồ.

Ngày nay, sự buôn bán diễn ra không chỉ ở chợ búa, siêu thị, sạp hàng mà ở khắp mọi nơi, mọi chỗ. Ai cũng mong Thần tài phù hộ độ trì. Thần tài vốn là một vị thần dân gian rất bình dị. Lúc đầu người ta thờ Thần tài ở dưới đất, trên một tấm ván hướng ra phía cửa chính, có hai câu đối hai bên:

Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khá xuất hoàng kim

Nghĩa nôm na của hai câu đối trên là: Đất đai có thể sinh ra bạc trắng, vàng ròng. Sau này các gia chủ “nịnh” Thần tài mới đóng cái khảm nhỏ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, thờ mà chẳng rõ nghĩa và cái thâm ý của 10 chữ Hán, hằng ngày vẫn xì xụp lễ, lâm râm khấn, liệu có phải vì thế mà Thần tài bị biến chất không ?

Ngẫm lại thơ của cụ Nguyễn Du “chữ tài liền với chữ tai một vần”, vận vào việc dân gian thờ Thần tài, tôi trộm nghĩ, chữ tài ở đây chắc chẳng để chỉ riêng tài ba, tài cán, tài giỏi... mà còn có thể là tiền tài. Vì thế mọi người hãy suy ngẫm, đặt bát hương thờ Thần tài ấy là việc không ai cấm đoán, tùy tâm. Nhờ có bát hương thờ Thần tài có người ăn nên làm ra, có người thất bát, thậm chí lụi bại, phải bán xới cửa hàng, cửa hiệu. Và thiển nghĩ: Chẳng Thần tài nào lại phù hộ, độ trì cho kẻ ăn gian nói dối. Thần tài có hay không, ở xã hội nào cũng cốt ở cái tâm sáng và có trí tuệ.
(HNM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét