Bài cũ cóp đăng lại để bà con xem đỡ buồn nha.
Quỷ nhập tràng là một hình thức của xác chết biết đi, mượn xác người chết mà đội mồ sống lại. Hình như ở châu lục nào cũng có những loài tương tự như quỷ nhập tràng. Phương Tây có ma cà rồng, Ấn Độ có Vêtala, Trung Quốc có cương thi, thi biến… còn ở VN thì gọi là quỷ nhập tràng.
Điểm đồng nhất với nhau về các loại trên là tìm đến những người vừa mới chết, mượn thể xác họ sống dậy để làm những việc mà bình thường khả năng nó không làm được (vì không có thân tứ đại).
Xuất xứ của ma cà rồng phải chăng từ Rumani , gắn liền với tên tuổi của Bá tước Dracula- nhân vật có thực trong lịch sử quốc gia Rumani thời xưa, một nhân vật có thực mà sự độc ác vô song đã trở thành huyền thoại? Vùng đất của ma cà rồng mở rộng đến Bungari- xứ sở hoa hồng, Hung gary, Balan, Mônđavi…
Tại sao những người chết lại có thể trở thành ma cà rồng? điều này vẫn đang chờ câu giải đáp của các vị nghiên cứu huyền thuật, ma quỷ phương Tây. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là linh khí đất đai ở những nơi đó tạo ra chủng loại này. Ở những nghĩa địa lâu năm trong các làng ven núi các vùng Rumani, Balan, người ta nghe có những tiếng động ở dưới đất. Khi mở những ngôi mộ ra, họ thấy những xác chết- cả đàn ông và đàn bà đều hãy còn tươi tắn như đang sống, máu hồng làm thắm những đôi môi của họ, phải chăng họ đã dùng máu để nuôi sống thể xác? Để có thể tự cứu vãn linh hồn và cuộc sống của mình, dân làng đã đóng cọc vào tim các xác chết, sau đó bỏ làng dọn đến cư ngụ ở những làng khác, vì những làng xung quanh cũng có nghĩa địa, nhưng không hề có hiện tượng này.
Trong quyển tiểu thuyết “Dracula” của nhà văn Bram Stoker, ta thấy bá tước ma cà rồng Dracula khi đi sang đất nước khác đã cho chở theo những chiếc thùng chứa đấy đất ở lâu đài mà hắn ở. Có thể những thùng đất ấy là nguồn sống của chủng loại này.
Những vùng giáp Vân Nam – Trung Quốc và Tây Bắc nước ta, có một số làng bản có người chết, họ không chôn xuống đất mà khoét vách núi đặt quan tài vào hoặc đưa quan tài vào những động đá sâu thẳm trên dải Hòang Liên Sơn rộng lớn. Chắc chắn những vị đạo sĩ hay thầy mo ở đó đã nhận ra điều gì bất bình thường từ trong đất.
Cách chống ma cà rồng thường là nước Thánh, các vật đã được làm phép thánh, thánh giá, tỏi… biện pháp trừ tận gốc ma cà rồng là đóng cọc vào tim, cắt đứt đầu, nhét tỏi vào miệng xác chết và cuối cùng là thiêu hủy.
Vêtala ở Ấn Độ cũng là một loại quỷ nhập tràng.
Ngày xưa, Ấn Độ có phong tục quấn vải vào xác chết, đem thây vào rừng, treo lên cành cây hoặc để dưới gốc cây cho đến khi rữa nát. Nơi để xác chết được gọi là Thi Lâm Một loài quỷ sống ở đó đã mượn những xác còn mới để sống dậy trở thành Vêtala, ăn thịt những xác thối xung quanh.
Chuyện kể rằng, có một tay nhà buôn gần sạt nghiệp, được vị đạo sĩ huyền thuật tặng cho câu chú luyện Vêtala hy vọng đổi đời. Anh ta phải ra nghĩa địa, ngồi lên bụng xác chết mà trì tụng bảy đêm, cho đến khi nào xác chết cử động được và chịu hàng phục thì anh ta sẽ toại nguyện. Trì đến đêm thứ bảy, xác chết bổng mở mắt nói cười, anh nhà buôn hỏang hốt vọt mình bỏ chạy. Nhưng dù anh có đi đến đâu, cái xác vẫn chạy theo tìm bén gót. Cho đến một ngày, anh quẫn trí nhảy lầu tự vẫn…
Ở Trung Quốc, phép luyện cương thi đã có từ lâu, nhưng phổ biến nhất là vào giai đọan cuối TK XIX, đầu TKXX khi Trung Quốc chuyển dần từ thời phong kiến sang thời kì Trung Hoa Dân quốc.
Mục đích luyện cương thi của các đạo sĩ ban đầu là chính đáng. Có những người đi làm ăn buôn bán, làm quan kinh lý xa nhà, bạo bệnh mà chết dọc đường. Nếu mang xác chết về đến quê nhà e rằng đã trở thành đống xương mục nát. Vả lại, đường xa, xác chết bốc mùi làm sao chịu thấu. Các thầy đạo sĩ đã dùng phép luyện cương thi, trục thỉnh một số chủng loại nơi này nhập vào xác chết, giúp cho xác chết đông cứng, di chuyển được theo chuông ngủ cổ của thầy. Do cương thi sợ ánh sáng mặt trời nên các thầy chỉ di chuyển vào đêm, vừa tránh dương quang vừa dễ di chuyển mà không phiền phức. Khi đưa về đến quê nhà, thường thì đạo sĩ sẽ tẩn liệm đàng hòang rồi mới làm phép giải thi, giải thể các chủng loại trong xác chết. Việc giúp người chết hồi quy cố hương của các đạo sĩ tạo điều kiện cho các chủng loại vô hình tạo lập công đức hầu siêu sinh, tiến hóa.
Nhưng, càng về sau những đạo sĩ bất chính đã lợi dụng phép luyện cương thi để làm vật hại người, làm điều mờ ám như buôn bán thuốc phiện, chuyên chở thuốc súng… Hàng được dấu trong mình cương thi, thậm chí họ còn giả cương thi để mang hàng. Mà mấy ai ngày xưa dám ngăn chặn đạo sĩ để khám xác chết bao giờ? Mãi về sau sự việc vỡ lỡ, nhà nước cấm hẳn việc di chuyển xác chết bằng phép luyện cương thi.
Quỷ nhập tràng xuất hiện trong các câu chuyện dân gian, xuất hiện cả trong các tác phẩm văn học lớn.
Sách “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng linh có câu chuyện “Thi biến”. Câu chuyện như sau:
“Huyện Tín Dương – Trung Quốc có một người làm nghề buôn bán hàng quán, cho khách trọ đêm, cách thành đô năm sáu dặm. Một hôm trời tối, có bốn người khách buôn gõ cửa xin trọ, nhưng quán của ông đã không còn phòng. Bốn người khách không biết đi đâu nên mới van xin. Sau một lúc cân nhắc, ông chủ quyết định để các vị khách của mình vào nghỉ ở phòng trong. Nơi quàng xác đứa con dâu mới chết. Lúc ấy, con trai ông đi mua quan tài chưa về. Trong nhà trong còn đủ giường chiếu, xác chết được phủ chăn giấy nằm ở phía sau tấm trướng. Mấy người khách buôn mệt mỏi đặt mình xuống là ngủ ngay, chỉ có một người còn mơ màng. Chợt anh ta nghe phía linh sàng có tiếng động, mở mắt ra nhìn, anh thấy xác người phụ nữ lật chăn bò dậy, bước xuống đất tiến về phía giường ngủ bốn người. Anh ta sợ quá kéo chăn trùm kín đầu, nín thở lắng nghe. Xác chết lần lượt đến thổi vào từng người, sau đó quay trở lại linh sàng. Người khách buôn vội lay các bạn dậy nhưng họ đã lạnh cứng. Hỏang hốt, anh bò dậy tháo chạy ra ngoài, thây ma đang nằm liền vùng dậy đuổi theo. Anh chạy đến đâu, xác chết đuổi theo đến đó, chạy đến một ngôi chùa, phía trước có một cây bạch dương to đầy một ôm tay. Anh lái buôn liền chạy vòng quanh cây với xác chết như chơi trò cút bắt. Đuổi nhau mãi như thế đến khi anh ta mệt nhoài đứng thở hồng hộc, chợt thây ma bổng nhảy xổ lên vươn hai tay chộp qua cây, khách kinh hãi ngã vật ra bất tỉnh. Trong chùa nghe tiếng la hét vội đốt đèn chạy ra, nhìn thấy người khách nằm cứng đờ vội đưa vào trong cứu chữa. Đến trời tờ mờ sáng, khách tỉnh dậy kể đầu đuôi sự việc, mọ người ra ngoài xem, quả nhiên thấy xác người đàn bà đang đứng ôm vòng thân cây. Hai tay quắp chặt vào cây như móc câu, ngập cả móng. Đến khi kéo ra được, thân cây lủng sâu như khoét lỗ…”
Ở Việt Nam, quỷ nhập tràng thường xuất hiện ở những vùng quê hẻo lánh, vùng đồi núi Trung du vắng vẻ bóng người. Trước đây, khi dân cư còn thưa thớt, thỉnh thỏang người ta vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện nửa hư nửa thực về loài quỷ này.
Học giả Toan Ánh cũng có một câu chuyện thật về quỷ nhập tràng ở vùng quê miền Bắc….
Cách nay hơn bảy mươi năm, ở làng Dũng Quyết, huyện Quế Dương xứ Kinh Bắc có người đàn ông tên Tòng bị bệnh chết. Trong khi đang chờ khâm liệm, ông chợt sống lại, không nói không cười, thân thể cứng đơ, đôi mắt trừng trừng như mất hồn không hề nhắm. Từ khi ông sống lại, gà vịt trong nhà mất tích một cách khó hiểu, cho đến khi con cháu trong nhà phát hiện ông đang xé xác con chó để ăn sống bộ đồ lòng. Gia đình rước ông Tự Xung ở huyện Vô Giang về chữa trị, nhưng ngay cả Tự Xung cũng bị ông Tòng cắn đứt miếng thịt vai. Bùa phép không hiệu quả, ông Tòng cứ sống như một thây ma… Cho đến một ngày, sư bà trụ trì chùa Nguyệt Giáng xuất hiện. Bà không chữa trị, chỉ lấy Phật Ấn dán ở hai đầu chái nhà, trên nóc nhà, sau đó lặng lẽ tụng kinh trì chú. Sau ba ngày đêm trì tụng, thây ma ngã gục xuống, thối rữa nhanh chóng, lúc nhúc dòi bọ…
Năm 1957, ở huyện Bù Đăng Bù Đốp- tỉnh Sông Bé có đứa bé gái con dân tộc thiểu số. Khi sinh ra nó không có xương sống, không đi được, không nói được,chỉ trườn bò mà thôi. Nuôi đến 3 tuổi thì nó chết. Người ta đem xác nó để ngài rừng 1 ngày thì nó sống lại, bò về nhà. Ở nhà thấy kì lạ lại tiếp tục nuôi nấng. Từ đó, mỗi tối khi mọi người ngủ, nó lại bò đi bắt gà và gia súc để ăn bộ đồ lòng. Về sau cả làng rình phát hiện đòi giết ,ông Cai Tổng vùng đó theo Tây học nên không đồng ý. Cả nhà liền đóng chiếc cũi lớn, bỏ nó vào khiêng sâu lên núi bỏ cho mất tích. Từ đó về sau làng không xảy ra chuyện gì lạ nữa.
Ở miền Tây dân Cái Bè vẫn còn truyền miệng nhau câu chuyện về bà cụ trên 70 tuổi bệnh chết nửa ngày rồi sống lại. Bà cũng không nói năng gì, thấy ai ăn gì là chạy đến giật lấy bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Có lúc bà ngồi tự gặm lấy tay mình đến tróc thịt bày gân xương ra trắng hếu, máu chảy ròng ròng mà bà ta còn tỏ vẻ ngon lành lắm. Cả nhà hoảng hốt băng bó cẩn thận, bà lại tiếp tục gặm đến tay kia. Đành phải trói bà lại vào thành giường và rước thầy pháp tới chữa. Rước đến cúng buổi sáng thì buổi tối trong nhà nghe tiếng khóc than rì rào không ai ngủ được. Quá sợ hãi, cả nhà bắt bà đem vào nhà thương điên, ba ngày sau bà chết…
Đó là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, yếu tố thực hư chưa phân biệt rõ. Tuy nhiên, cái mà ta cần biết không chỉ là chuyện kể. Sâu xa hơn là sự nghiên cứu tìm tòi về chủng loại này. Theo tôi biết, quỷ nhập tràng xuất hiện là bởi những yếu tố sau:
1/ Linh miêu nhảy qua xác chết:
Đây là giả thiết nhiều người truyền tụng nhất. Nhưng linh miêu là có thiệt. Nó là con của một con mèo mun cái bị rắn hổ ngựa quấn lấy vào ngày tết Đoan NGọ trong năm. Đặc điểm của linh miêu khác hẳn với những con mèo khác. Nó mình dài, đuôi dài, mõm dài hơn bình thường so với những con mèo khác. Cách bắt chuột của linh miêu cũng không bình thường. Nó thường leo lên xà nhà cao đứng trên đó nhìn xuống bằng đôi mắt sáng quắc như quan sát, nhìn ngó sinh hoạt của mọi người trong nhà. Nó không bắt chuột mà chuột tự bò ra nạp mạng như bị thôi miên. Từ trên xà nhà cao, nó lao xuống vồ chuột nhanh như chớp. Trong người linh miêu có một thứ từ điển ma mị, khi nó nhảy qua xác chết, sức mạnh ma quái của nó phá mở cánh cửa vô hình, lôi kéo các chủng loại nào đó về nhập xác mà sống dậy.
Những người Chăm gốc Chà ở quận 8, khi nhà có tang thường bắt hết chó mèo trong nhà trói gô lại hoặc nhốt chúng vào lồng thật kỹ lưỡng.
2/ Do thầy bùa trục luyện :
Ở vùng Trà Sư- Thất Sơn, có một số thầy tu luyện được pháp này. Không biết có giống với phép luyện cương thi bên Trung Quốc hay không nhưng hiện tượng thì không khác mấy. Nhửng chủng loại bên ngoài tá nhập vào thể xác đã chết rồi, làm việc theo sự sai luyện của thầy. Giống này, trong giới huyền thuật gọi là ĐUÔNG.
Tại sao gọi là ĐUÔNG?
Giống như con đuông ăn rỗng ruột đọt dừa , khi nhập vào xác chết, nó ăn lần trong ruột xác chết để kéo dài sự sống, ăn đến khi xác rỗng hoàn toàn thì người thầy tìm một xác mới để trục luyện chúng sang. Phép luyện này tàn độc, chỉ khi nào căm thù nhau lắm đến mức không đội trời chung,người thầy mới sử dụng. Buổi tối, thầy làm phép trục, ĐUÔNG sẽ đến nhà kẻ thù của thầy để xé xác kẻ đó.
Tôi có đọc được tài liệu trước 1975 về phép luyện này của một thầy phù thủy miền Bắc, muốn sai khiển được ĐUÔNG, thầy phải giữ trái tim người chết thật kĩ, dùng trái tim ấy là vật sai khiến ĐUÔNG. Chẳng may pháp đàn bị phá hủy, nạn nhân tiếp theo sẽ chính là người thầy tế luyện. Làm phép này, người thầy đã bước một chân vào địa ngục rồi đó.
Trong một lần về núi, tôi được nghe một thầy Chà kể lại rằng: Có một người bệnh nặng sắp chết, bác sĩ chẩn đóan ung thư đến giai đọan cuối không còn sống được quá 24 giờ. Cả nhà cuống cuồng, kẻ thì lo rước thầy, người thì lo hậu sự. Có một ông thầy đến xem và khẳng định sẽ kéo dài sự sống cho bệnh nhân đến khi con cháu ở nước ngoài về đủ. Sau khi làm phép, thầy lấy một số tiền rồi biến mất.
Đúng như lời thầy, người bệnh khỏe mạnh trở lại, đi đứng như thường khác hẳn những ngày trước chỉ nằm 1 chỗ. Điều đặc biệt nữa là không nói không cười, ăn uống mạnh bạo chẳng khác gì thanh niên, lại thích ăn tiết canh, thịt bò tái. Đến khi con cháu nước ngoài về đầy đủ, người nhà cũng chẳng thấy vẻ gì là bệnh họan. Trải qua gần 1 tháng, một hôm có vị sư khất sĩ tình cờ khất thực ngang nhà, ông đứng ngó vào nhà chăm chú, không chịu bỏ đi cho dù người nhà đã cúng dường. Chờ đến giờ cơm, sư tự nhiên vào nhà hướng về người bệnh chắp tay lần thầm chú nguyện. Bỗng người bệnh bật ngửa ra đất chết tươi. Trong chốc lát, cả nhà bịt mũi chạy làng vì thân thể người bệnh chợt trường phình lên thối rữa nhanh chóng. Vị sư bị người nhà bắt lại toan giải lên công an vì tội “giết người”…
Ông thầy muốn lấy le với gia đình, chắc chắn đã trục binh vào giữ xác. Vô hình chung thể xác người bệnh biến thành quỷ nhập tràng. Nếu không có vị sư khất thực thì … không biết hậu quả sẽ ra sao.
3/ Người chết có uất khí, khi chết lại nhằm ngày giờ linh:
Trước khi chết, uất khí không tan, người chết không bao giờ chịu đi vào Âm Dương đạo. Thế nào cũng thành ma ở lại thế gian. Nếu chôn xác nhằm vào cuộc đất “có vấn đề” như đã trình bày ở trên, việc thành quỷ nhập tràng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, loại này ở VN ít thấy. Người chết đi vào ngày giờ linh nếu không bị thần trùng thì cũng làm quỷ, một trong những loại ấy là quỷ nhập tràng. Sự thật, hồn người chết đã đi mất từ bao giờ. Nhưng thể xác còn ở lại thế gian cho linh giới chiếm giữ. Người nhà không biết, cứ tưởng hòan dương, lo cung phụng tẩm bổ, chữa trị tiếp tục cho đến khi chân tướng thật của quỷ hiện ra.
Quỷ nhập tràng có những đặc điểm khá rõ. Sau đây là kinh nghiệm bản thân về chủng loại này:
- Xương sống của người nhập tràng thường cứng, nên thường ngồi không nằm. Đêm thức trắng không ngủ, mắt không bao giờ thấy nhắm dù ngày hay đêm.
- Người bị nhập, bước lên kẽm gai, miểng chai đâm lthủng thịt vẫn không hề hay biết, cảm giác.
- Ngồi nơi nào, thì sau khi rời đi, chỗ đó có nước vàng nhớt, hôi thối đọng vũng.
- Lấy gương để trước mặt người bị nhập, thì nó quay đi không dám ngó vào gương.
- Quỷ nhập tràng hay sợ tới gần bếp lửa đang cháy ( trong kinh nghiệm dân gian của Toan Ánh thì quỷ nhập tràng sợ nước.
- Chúng ăn rất nhiều mà khi đi cầu vẫn còn nguyên tất cả vật thực. Có lẽ thể xác đã chết, các bộ phận không còn hoạt động nên không thể tiêu hóa được.
- Nhà có người bị quỷ nhập tràng thì bao giờ cũng có cảm giác lạnh, thoang thỏang mùi hôi thối, cho dù ở nhà có lau dọn xông hương cỡ nào đi nữa.
- Không giống các vị thần thường thích thể xác thanh tịnh, đồng nam đồng nữ, đối tượng nhập của quỷ nhập tràng thường là người lớn tuổi, có gia đình, thể xác bệnh họan uế trược.
- Nhà nào có hiện tượng này thì giai đọan đó gia đình làm ăn suy sụp, đỗ vỡ.
- Trong thời gian nhà có người bị, thức ăn rất mau thiu. Khi nấu nướng xong, khỏang 2 giờ sau là trở nên nhạt nhẽo, hư hoại, có mùi.
- Lúc người bị nhập đã chết hẳn, thì đêm đó trong nhà nghe như là tiếng mèo đuổi chuột, tiếng bình bông bị vỡ hoặc chén bát để trong kệ cũng tự nhiên vỡ nứt.
- Một điều quan trọng nhất là quỷ nhập tràng không sợ bùa chú, ngũ lôi hoặc binh gia. Chỉ có Mật chú của chư Phật hoặc có chư tăng đạo hạnh tụng kinh cầu nguyện nó mới xuất ra.
Trước đây, tôi có đi chữa bệnh cho bà chị một đạo hữu lớn tuổi. Đến nơi mới biết bà ta đã trở thành quỷ nhập tràng. Cứ kiếm xó tối mà ngồi, hai con mắt trong bóng tối sáng long lanh, không khí xung quanh hôi thối và lạnh lẽo…
Làm phép trị tà nhưng chẳng thấy bà ta có động tĩnh gì. Nhưng khi chuyển sang trì Đại Bi chú, công năng thấy rõ. Bà ta tỏ vẻ sợ hãi, bịt tai nép mình vào góc cầu thang… Một tuần lễ sau bà ta chết…
Những câu chuyện trên đây có sưu tầm, có thực tế.
Bổ sung:
Ở một dải đất Bảo Khánh huyện Thường Đức tỉnh Hồ Nam trước đây, tập tục tương truyền về một phép gọi là di chuyển xác chết. Những vị đạo sĩ ở đây có một thứ chú ngữ đặc biệt bí mật dùng để trục gọi linh giới nhập vào giữ xác. Muốn cho xác chết di chuyển, họ cắm một cây phướng dẫn hồn lên xác chết rồi hướng về thây ma niệm chú. Xác chết bỗng cử động được như cái máy và di chuyển theo đạo sĩ.
Khi đến quán trọ, họ đem thây ma đặt ở ngoài phòng, đứng úp mặt vào tường. Khi cần qua sông, họ đem thây ma đặt ở cuối khoang thuyền hoặc ở đầu thuyền. Như thế có thể bình an về tới quê hương... Sau này họ di chuyển vào ban đêm và ngủ ở đền miếu bỏ hoang chẳng qua là sợ mọi người để ý hoặc sợ hãi đó thôi. Dù cuộc hành trình kéo dài cả tháng, dù trời nóng bức hay mưa dầm, xác chết cũng không biến đổi chút nào và cũng không phát ra mùi hôi thối.
Nhưng có một điều cấm kị là không được để xác ngã vật ra đằng sau, vì khi đó xác sẽ bốc mùi, giòi bọ lúc nhúc, không sao dựng xác trở dậy được nữa. Về đến nhà, người thân đã chuẩn bị áo quan sẵn sàng, đạo sĩ lập tức chỉ huy mọi người đưa xác vào quan tài, đóng nắp lại ngay. Nếu không, chừng hai giờ sau, xác chết sẽ nát rữa, không sao gom lại được.
Phép chuyển xác này đã có từ mấy ngàn năm, nhưng nhiều người không rõ nguyên nhân từ đâu. Có một truyền thuyết để lại trong giới luyện đan (tu tiên gia) cho rằng phép này truyền lại từ Lý Thiết Quài, vị tiên trưởng trong Bát Tiên. Ông đã truyền phép này cho Huyền Châu Tử nhằm dễ dàng đưa xác Đông Phương Sóc về Hải Ninh... câu chuyện thế này...
Đời vua Hán Vũ Đế, Đông Phương Sóc làm quan trong triều nhưng bí mật tu tiên. Sau này thành tựu các pháp, thần thông quảng đại nên thường giở trò du hí. Hán Vũ Đế muốn cầu trường sinh nên bắt Đông Phương Sóc hái cho một trái đào. Lịnh vua khó cãi, vả lại muốn hóa độ nhà vua nên Đông Phương Sóc lẻn lên thượng giới ăn trộm đào tiên. Việc này phạm luật trời vì vậy ông bị số chém đầu.
Lúc ấy, Hán Vũ Đế say mê một thuật sĩ khác là Lý Thiếu Quân, vốn là rùa quạ thành tinh vào triều mê hoặc nhà vua. Thiếu Quân đã từng quây màn trướng, hóa sương mù triệu hồn Lý Phi nương nương về cho Vũ Đế gặp mặt... nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Được trọng dụng, Thiếu Quân tìm cách hãm hại Đông Phương Sóc. Viện cớ ông này phạm tội khi quân, Lý Thiếu Quân mượn Thượng Phương bảo kiếm của vua chém đầu Đông Phương Sóc. Mỗi lần chém xong, đầu mới lại mọc lên... Cuối cùng Lý Thiếu Quân phải lấy ngọc tỉ của vua đóng vào vải vàng, đợi đầu Đông Phương Sóc vừa rụng là án ngay vào chỗ chém. Ngọc tỉ nhà vua đã làm cho phép thay đầu của Đông Phương Sóc vô dụng. Ông đành chịu chết. Sau, Huyền Châu Tử theo lời chỉ dẫn của Lý Thiết Quài, gắn đầu vào thân, giắt lá phù Cửu chuyển hòan hồn vào tóc, cắm lá phướng dẫn hồn vào người mà dẫn xác của Đông Phương Sóc về Hải Ninh để hòan tất duyên phần. Sau này, Huyền Châu Tử phạm luật trời, để dân bị ngập lụt chết nhiều nên bị hóa thành hạc trắng trong 500 năm lập một vạn công đức mà tu thành chánh quả. Tương truyền, phép dẫn thi chính là do Huyền Châu Tử truyền lại thế gian này...
hay quá!
Trả lờiXóaXin cám ơn về bài viết thật là hay.
Xóa