Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Lễ hội Rạch Lưỡi lấy máu vẽ bùa.


Một người bình thường tự đến chùa trong ngày lễ Vu Lan, tự rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa, tắm dầu sôi ùng ục trước mắt vạn khách thập phương. Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ Vu Lan, khách thập phương lại đô xô đến Trà Vinh để xem phong tục có một không hai này của người Hoa.

Truyền thuyết lạ
Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân thập phương lại tụ hội về các chùa Ông Bổn (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) để tiến hành lễ Vu Lan. Tại đây, họ được tận mắt chứng kiến nghi thức cắt lưỡi, tắm dầu sôi của những người bình thường. Theo tín ngưỡng của người dân, sở dĩ một người bình thường có thể làm được những việc "phi phàm" như thế là do "hồn"  Ông Bổn nhập vào!
Ông Hứa Minh, một trong những chức sắc của chùa Vạn Niên Phong Cung giới thiệu tục rạch lưỡi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Minh, một thành viên trong ban quản trị Chùa Vạn Niên Phong Cung ở thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) khẳng định: "Việc Ông Bổn hiện về nhập vào xác người phàm là một tập tục, một tín ngưỡng từ xa xưa của người Hoa để lại".
Theo ông Minh: “Mỗi năm, Ông Bổn đều "về" chùa một lần vào đúng dịp lễ Vu Lan. Ông về bằng cách "nhập" vào cơ thể của bất kỳ người dân nào mà không ai được biết trước. Đúng vào ngày lễ, ban trị sự chùa thấy người nào mặc áo đỏ, đứng lên hương án, tự xưng là Ông Một, Ông Hai, Ông Ba, Ông Bốn (địa phương có 4 chùa, mỗi chùa thờ một Ông Bổn) thì ban trị sự biết ngay "Ông Bổn đã về". Có khi xác (người bị nhập) là những người nông dân bình thường, cũng có khi là cán bộ hưu trí... Mấy năm trước, xác là những cụ già nhưng năm vừa rồi lại là bác Lương Văn Vệ, là một cựu chiến binh". Điều không thể lý giải là cùng một thời điểm, tại 4 ngôi chùa khác nhau, các Ông nhập vào 4 cái "xác" và "thăng" (Ông Bổn xuất ra khỏi xác - PV) cùng một lúc.
Khi chúng tôi về đây được nghe không ít những câu chuyện kiểu truyền miệng để tô vẽ thêm cho sự linh thiêng của Ông Bổn. Nhiều người dân truyền tai, có người đang mang bệnh thập tử nhất sinh nhưng khi "được" nhập lại khỏe mạnh lạ thường. Chẳng hạn, một lão ông hơn 70 tuổi, đã nằm liệt giường vì bệnh tật, đi đứng phải có người khiêng.
Tuy nhiên, khi được Ông Bổn "nhập xác", ông cụ... vùng dậy bước lên trước hương án, rạch lưỡi, nhả máu, vẽ bùa bình thường. Kỳ lạ hơn, mỗi lần Ông Bổn về đều... nói bằng tiếng Hoa. Thậm chí có "xác" bị tật ở chân đi đứng phải mang nạng nhưng khi bị "nhập" có thể chạy nhảy bình thường?!
Sau khi xong các nghi thức, "xác" ngã vật từ trên án xuống,  cất tiếng "ta thăng đây" trong sự chuẩn bị đón, đỡ của ban trị sự chùa. Sau hơn 30 giây bất tỉnh, "xác" hồi phục và trở lại trạng thái bình thường, người bệnh vẫn bệnh, người què vẫn què... Cũng cần nói thêm, một điều kỳ lạ nữa là từ xưa đến nay, “xác” chỉ là nam. Do đó, người bị nhập thường được gọi là "xác Ông".
Những nghi thức bí ẩn
Cũng theo những người dân kể lại, trong các nghi lễ trước đây còn có màn rước kiệu đao. Khi Ông Bổn đã "nhập xác", ban trị sự phải đóng kiệu đao, rước Ông đi quanh làng, xóm. Kiệu đao được làm từ những lưỡi dao sắc bén. Người chuẩn bị kiệu phải mài các loại dao đạt đến độ để một sợi tóc cạnh lưỡi, chỉ cần thổi nhẹ thì sợi tóc cũng đứt làm hai. Ghế Ông Bổn ngồi, tay vịn, chỗ dựa lưng được ghép bằng những lưỡi dao lật ngược phần lưỡi. Các bậc thang dẫn lên kiệu cao hơn 1m so với mặt đất cũng là những lưỡi dao sắc nhọn. Ông Bổn được rước đi diễu hành một vòng rồi mới về chùa tiến hành lễ rạch lưỡi, vẽ bùa.
Sau khi mặc áo đỏ, các Ông Bổn vừa nói vừa cầm cái chông tua tủa những mũi thép dài trên lưỡi 6cm sắc nhọn, sáng chói quất mạnh vào ngực, lưng mình. Sau đó, "Ông" dùng một con dao nhọn thật bén, rạch những đường dài trên lưỡi cho máu đỏ chảy loang lổ. Các Ông Bổn dùng bút lông chồn (loại bút viết chữ Hán ngày xưa) tự thấm máu mình rồi vẽ bùa bình an. Trước đây, chính quyền cũng không tin vì cho rằng một người bình thường không thể dùng máu từ lưỡi mình để vẽ nhiều bùa đến vậy. Tuy nhiên, sau khi lấy những lá bùa trên đem lên sở Y tế tỉnh Trà Vinh xét nghiệm, người ta nhận được báo cáo: Những lá bùa trên hoàn toàn được vẽ bằng máu từ lưỡi người.
Ngoài nghi thức trên, trước đây, các Ông Bổn còn đòi... tắm dầu sôi. Nghi thức này không thường xuyên tổ chức mà chỉ diễn ra theo yêu cầu của các Ông. Về nghi thức này, ông Minh kể: "Mỗi khi muốn tắm dầu, các Ông thường về báo trước để chúng tôi chuẩn bị. Trước khi nghi thức bắt đầu, ban trị sự chùa chuẩn bị một vạc dầu lớn bằng gang và những bó lá tre để các Ông dùng tưới dầu lên cơ thể".

“Xác Ông” tiến hành nghi thức rạch lưỡi để lấy máu vẽ bùa bình an.

Quá trình tắm dầu diễn ra công khai, trước sự chứng kiến và kiểm nghiệm của du khách. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng có ghi hình cẩn thận. Sau khi sự chuẩn bị đã hoàn tất, các Ông Bổn mặc áo đỏ, đầu quấn khăn đỏ tiến đến gần chảo dầu sôi ùng ục. Rồi Ông thả vào vạc dầu một lá bùa. Lá bùa bằng vải đỏ lộn lên lộn xuống trong những ụ dầu đang sôi.
Sau ít phút, Ông bắt đầu cởi áo, sục hai tay trần vào vạc dầu sôi rồi múc dầu lên vuốt tóc. Người xem có thể chứng kiến những đường dầu nóng bốc khói nghi ngút chảy từ trên đầu Ông Bổn xuống hai vai, cổ, cằm và ngực. Sau đó, Ông tiếp tục dùng những bó lá tre tẩm dầu vung lên quật vào lưng, bụng cho đến khi dầu tẩm ướt thân. Lúc đó, thân hình Ông Bổn trở thành một ống khói di động.
Sau những nghi thức trên, Ông Bổn mặc lại áo, trở lại án rồi cất tiếng "ta thăng đây". Lúc này, những người trong bộ phận tổ chức lễ phải xúm lại trước hương án để đỡ "xác". Sau ít phút, "xác" có thể ăn uống và không hề nhớ gì về việc vừa làm?!. Tuy nhiên, những giọt dầu sôi bắn vào người xung quanh nhưng họ đều chỉ cảm thấy âm ấm chứ không bị bỏng rát. Điều này cũng được ông Phạm Ngọc Sử, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Cầu Kè công nhận. Ông Sử cho biết: "Khi xuống xác minh, xem cảnh tắm dầu và bị dầu bắn vào người nhưng tôi chỉ thấy ấm ấm chứ không có cảm giác nóng". 

Tập tục lạ của người Hoa ở Trà Vinh                        
Theo ông Phạm Ngọc Sử, phó trưởng phòng VH-TT huyện Cầu Kè, lễ hội này là của người Hoa được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch tại nhiều chùa khác nhau. Đây được xem như một tín ngưỡng, một tập tục lạ của địa phương. Tất cả các nghi thức trong buổi lễ đều được thông qua và xem như dạng văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trước khi tổ chức lễ hội, mỗi chùa phải có đơn trình bày quá trình thực hiện và chỉ được tiến hành khi có sự thông qua của các cơ quan chức năng. 
Nguồn: bao Nguoiduatin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét