Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Sự tích suối Giải Oan

Quốc Phong Truyền thuyết kể rằng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mỹ nữ lâm vào cảnh khó. Đường về kinh thành xa xôi vạn dặm, quân lính của tân vương phong toả khắp nơi, ở cũng khó mà đi cũng khó. Để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan, hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa nước trong vắt như những giọt nước của giai nhân.
Nói lại chuyện 300 cung tần mỹ nữ khi trầm mình xuống suối, đúng thời điểm đó có một một tốp chàng người Dao bản địa đi kiếm củi về ngang qua. Cả nhóm ào xuống tìm cách cứu người nhưng không biết tiền định thế nào, chỉ có 5 chàng trai cứu được 5 cô gái. Để tri ân, những cô gái này xin được làm vợ để "nâng khăn sửa túi" cho 5 chàng trai đã cứu mình. Nhờ gene của những giai nhân đến từ kinh thành, con gái của vùng đất này nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc nước hương trời cũng như phong cách lịch lãm. Khi năm bà cung nữ qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ, gọi là đền Năm Mẫu. Ngôi đền này hiện vẫn nằm ở Thượng Yên Công như một dấu tích của những ngày xa xôi ấy. ở Thượng Yên Công, khu vực được tương truyền có 5 cung tần làm dâu, không biết tự lúc nào có tên là thôn Năm Mẫu (thôn năm mẹ). Ông Phó chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công - Trần Mạnh Hoà chép miệng thừa nhận đúng là xã mình có thôn Năm Mẫu, có suối Giải Oan, có đền thờ năm mẹ nhưng chuyện các thiếu nữ người Dao ở Thượng Yên Công có phải là con cháu dòng dõi của các nàng cung tần mỹ nữ trong nội cung thời xưa hay không thì ông cũng không dám chắc. Nhưng vẻ đẹp của các cô gái nơi này thì không thể phủ nhận. ông chủ tịch xã cũng khẳng định, chính vì thế mà dù đã đi bộ đội, đi đây đó cũng nhiều, quen biết cơ man nào là bạn bè các tỉnh nhưng xong nhiệm vụ, nhất quyết vẫn trở về đúng “thôn cung nữ”. Gặp lại người con gái năm xưa, thấy chiếc mũ bạc nàng đội trên đầu vẫn chờ mình về mài lại. Rồi là rượu ngon thịt lợn, vòng bạc gạo mới đội đến “đem” vợ về. Đi lạc ở chốn thiên thai Còn ông Triệu Văn Quỳnh, năm nay đã hơn 70 tuổi rồi, thời trẻ cũng đi nhiều nhưng nếu để chấm điểm thì con gái vùng này ông vẫn phải thừa nhận là đẹp nhất. Theo ông Quỳnh, một người con gái dân tộc Dao được gọi là đẹp đầu tiên phải là người biết ăn mặc làm sao để bộ trang phục truyền thống đội mũ đeo khăn và dây chuyền bạc phải đẹp. Thứ hai là phải biết hát được những bài hát đối đáp giữa nam và nữ thật hay, thật chuẩn. (Nói rồi ông Quỳnh cho chúng tôi nghe thử một làn điệu của người Dao qua cuộn băng ghi âm. Câu hát có đại ý, người con trai muốn đến nhà gái chơi, đến cửa đã phải hỏi gia chủ những câu bằng những lời hát: "Nhà ông có con chim hồng nào bay đến không?”. Khi nhà chủ hát đáp lại rằng “có” các chàng trai mới được phép vào nhà. Vào nhà, các cô gái sẽ hát rằng: "Sáng sớm nay tôi dậy rửa mặt, thấy một chậu nước hồng hồng. Biết báo tin có người đến, có niềm vui đến”. Các chàng trai cũng sẽ hát lại: "Sáng nay tôi thấy có con rắn đi ngang đường. Không biết tại sao rắn đi ngang đường? Rắn bảo cho mình điều gì đây. Sẽ gặp được ai hôm nay? ". Xong các thủ tục các chàng trai cô gái mới đi vào nói chuyện tìm hiểu nhau. Và cuối cùng phải là nhanh nhẹn, tháo vát chịu khó. ông Quỳnh bảo chỉ cần người phụ nữ nào biết hát tiếng Dao sẽ ứng xử rất tốt, bởi vì qua bài hát đã dạy con người ta về lẽ sống rất nhiều. Rồi ông Quỳnh quả quyết là những người con gái nơi đây đã hội đủ những tiêu chuẩn kể trên: "Không tin, “cái” nhà báo cứ ra đồng mà xem. Nó đang trồng bắp cải trên đồng nhiều lắm”. Chúng tôi không thể không ra. Trời đất Thượng Yên Công thật là lạ kỳ. Thoát mây thoáng nắng. Sân nắng trải dài ra cả cánh đồngn, nồng nã mùi đốt đồng xen lẫn gạo nếp nương như mời gọi. Các cô gái đang tay cuốc tay liềm làm cỏ. Thấy chúng tôi, không biết họ nói gì với nhau bằng tiếng Dao mà thỉnh thoảng lại ôm nhau khúc khích cười. "Gã” nhà báo là tôi từ thành phố lên ngạc nhiên khi nghe cô thôn nữ trẻ trung xinh đẹp Đặng Thị May cho biết đã 31 tuổi, mẹ của 2 con. Cô bạn đồng nghiệp của tôi tranh thủ bấm máy nhưng May cứ cúi mặt, nhất quyết không chịu ngẩng lên. Hỏi ra cô mới nói, bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Chồng em hay ghen lắm”. Bên cạnh đó 3 chị em Bàn Thị Thắm (sinh năm 1987) Bàn Thị út (sinh năm 1991) Bàn Thị Lan (sinh năm 1988) ở thôn Khe Sú đang làm đồng bên cạnh cũng là những cô gái đẹp. Một vẻ đẹp vừa nguyên sơ thô mộc vừa cao sang nền nã. Theo những người cao niên ở đây, chúng tôi đã nghe một số thông tin con gái Dao nơi đây có làn da trắng nõn nà. Bà Trương Thị Thại ở thôn Năm Mẫu (Một trong những gia đình có các cô con gái đẹp nổi tiếng vùng này) lý giải: Bởi ngay từ bé các bà mẹ đã truyền dạy cho các cô con gái uống nước lá, ăn những món ăn mát ruột, kiêng đồ ăn cay nóng để giữ cho làn da đẹp. Rồi đi đứng cũng thế, từ bé họ đã được dạy phải đi đứng từ tốn, chậm rãi. Không bao giờ được nói lớn tiếng mà chỉ đủ nghe. Thậm chí khóc cũng phải... dạy. Khi bố mẹ đánh mắng chỉ được khóc thút thít, khi khóc chỉ được dùng khăn hay vạt áo chấm nước mắt chứ không được dùng tay để quệt. Vui buồn ở "thôn cung nữ" Trong buổi chiều chạng vạng khói đốt đồng, tôi lang thang dọc những nẻo đường của vùng đất bán sơn địa, đến chân suối Giải Oan thì bắt gặp một bóng thanh niên đang ngồi thu lu bên vệ suối, tay cầm những hòn sỏi ném vô định ra giữa lòng sông. Nhưng sau một hồi làm quen thì chàng trai chia sẻ tâm sự đang đè nặng trong lòng. Cậu là Triệu Quang Nhàn năm nay 20 tuổi ở thôn Khe Sú. Tên cậu là Nhàn nhưng cả đời gặp toàn những chuyện buồn và cơ cực. Mồ côi cha nhưng từ bé cậu đã biết giúp mẹ. Giờ thì cậu khoẻ lắm, khoẻ như cây lim cây nghiến trên rừng kia. Và cậu cũng biết yêu rồi. Bụng cậu “ưng” Triệu Thị Nh. ở thôn Năm Mẫu. Hôm nọ gặp Nh. cậu đã bắt tay nhưng Nh. đã gạt ra và bỏ chạy. Nh. bỏ chạy cậu vẫn nói với theo: "Nh. à, cái bụng tôi thương Nh. Nh. về ở với mẹ và tôi nhé...” nhưng Nh. vẫn không nghe. Tháng trước cô ấy đã về làm dâu một người trên phố. Bây giờ mỗi lúc nhớ cậu lại ra đây ngồi chờ. ông Trần Mạnh Hoà Phó chủ tịch xã Thượng Yên Công tiết lộ, “mỏ sắc đẹp” miền sơn cước này thực ra mới được mọi người chú ý chừng 10 năm trở lại đây, người đầu tiên phát hiện là một cán bộ phòng văn hoá của thị xã Uông Bí. Khi ấy anh được phân công vào cắm chốt tại chùa Yên Tử nơi có những bản người Dao để tìm hiểu văn hoá đồng bào. ông Hoà kể, sau này tâm sự, anh cán bộ văn hoá thừa nhận gần 10 năm công tác ở “miền cung nữ” Thượng Yên Công để tìm hiểu văn hoá, anh đã bị vợ suýt đốt xe máy đến mấy lần vì... ghen. Mấy cán bộ trong UBND xã Thượng Yên Công cho biết thêm, họ vẫn không quên năm 1999, nhân kỷ niệm 700 năm Thượng hoàng Trần Nhân Tông về tu ở Yên Tử, ban tổ chức huy động 40 cô gái Dao Thanh Y ra rót nước mời khách ở tại sân chùa. ông Lê Toán, Giám đốc Sở Văn hoá Quảng Ninh khi đó đã phải thốt lên: "Tôi cứ tưởng như tiên sa giữa sân chùa, sau tìm hiểu mới hay tương truyền họ vốn là con cháu của các cung phi...”. Chúng tôi đem thắc mắc này đến hỏi giáo sư sử học Lê Trọng Ninh, một trong những chuyên gia lịch sử về mảnh đất và con người Quảng Ninh. ông cho biết đã từng nghe về giai thoại 300 cung nữ của vua Trần Nhân Tông, nhưng sự thật về nó thì đến bây giờ vẫn nằm trong bí mật của lịch sử. Chưa có một tài liệu nào có thể chứng thực được một cách chính xác. Một ngày ở Thượng Yên Công, chia tay cũng thoáng thấy nao lòng. Biết bao câu hỏi tự đặt ra rồi tự tìm câu trả lời nhưng không thể nào thoả đáng. Đây là một câu chuyện hay, lãng mạn tạo nên truyền thống văn hoá cho cả một vùng đất. Hy vọng sẽ có các chuyên gia tìm hiểu kỹ và đưa ra những kiến giải sâu hơn về nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét