- Em chào anh Dũng! Mấy nay anh khoẻ không?
Đang ngồi uống cà phê tán gẫu cùng sư huynh Minh Tịnh thì một tiếng chào cắt ngang câu chuyện. tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một thanh niên ngoài 30 tuổI gầy gò, đen đúa như ngườI dân tộcđứng trước mặt tôi cườI toe toét. Nhìn nụ cười, tôi ngờ ngợ.
- Hình như em là…
- TrờI ơi, thằng Bình nè, anh hổng nhớ em hả.
- Bảy Bình phảI hôn? Ông ơi, em đi đâu mà ghé đây? Không phải đã về Bà Rá ở rồi sao? Sao lại có mặt ở chỗ này. Còn anh Ba thầy của em có khoẻ hôn? Ảnh có về hôn?
Tôi hỏi liên tu bất tận không kịp cho Bình trả lời, thằng nhỏ cứ đứng ngẩn ra mà cười. Một bàn tay vỗ nhẹ lên đầu gối của tôi, quay lại thấy Minh Tịnh vừa cười vừa chỉ vào cái ghế. Tôi lúc bấy giờ mớ ngớ ra là chưa cho thằng nhỏ ngồI xuống.
- Thôi chết, anh xin lỗi. Bình ngồi xuống rồi nói chuyện đi em. Gặp lại tao mừng quá nên quên cả việc mời ngồi.
- Dạ - Bình với tay kéo cái ghế ở bàn bên kia qua và từ tốn ngồi xuống. Trông nó có vẻ mệt mỏi.
- Em uống gì không?
- Dạ anh cho em ly cà phê đá ít đường.
- Sao em biết anh ở đây mà ghé?
- Dạ, em ghé nhà, nghe người nhà nói anh đi uống cà phê nên thử đi tìm. May sao chư thần chỉ lối vừa ra một đoạn là thấy anh đang ngồi với anh Hai…
- Ừ, lúc rảnh không biết làm gì là anh rủ ổng đi uống cà phê tán dóc cho đỡ buồn đó mà. Sao, còn em với thầy em dạo này thế nào?
- Dạ…
***
Tôi quen với thầy trò của Bình cũng trong một lần đi núi. Ngày ấy, trên núi Cấm còn hoang sơ lắm. Người hành hương tứ xứ tụ tập lên Điện Bồ Hong lễ bái cúng dường xong là trải chiếu dướI mấy gộp đá mà ngủ. Người có tiền thì chịu khó đi bộ xuống vài trăm bậc đá sẽ có mấy cái chòi che tạm để giăng võng ngủ. Nhưng hầu như mọI ngườI đều thích ở lạI trên đỉnh hơn. Có lẽ họ muốn được lãnh điển trờI hay vì muốn được tự do nhóm họp và ca hát…
(Điện Bồ Hong)
Đêm đó, người ở lại trên điện đa phần là bổn đạo của phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phần còn lại là các vị có phần căn được vô hình dựa xác. Tôi tháp tùng theo đoàn khách hành hương ở khu người Hoa Chợ Lớn. Sau phần cúng lễ, hầu hết thành viên trong xe tôi đều xuống dướI triền để nghỉ ngơi. Chỉ riêng tôi cùng vài người ở lại ngồi đàm đạo chuyện đông tây kim cổ. Không khí lúc đó cũng vui, bên đây rì rầm nói chuyện, bên kia đọc tụng lào xào, Văng vẳng vang lên mấy bài kệ pháp của các vị linh căn về điển…
Bỗng, ở phía bên kia có tiếng la hét bất thường. Cảm giác có điều bất ổn , tôi cùng vài huynh đệ vôi chạy qua xem. Trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn nến nghi ngút trên bệ thờ, tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang vật vã. Những người xung quanh đều hoảng hốt tránh ra xa thành một vòng tròn , chỉ còn lại ngiữa vòng hai người đàn ông một trung niên, một trẻ tuổi. Anh bạn trẻ đang cố hết sức giữ chặt vai người phụ nữ, còn người đàn ông trung niên đang dùng nhang khoán thổi. Trớ trêu ở chỗ, càng khoán thổi người đàn bà càng vật vã giữ dội.
Sau một lúc, người phụ nữ vùng dậy được hất mạnh chàng trai té ngã vào đám đông và gầm gừ gào thét dữ dội. Người đàn ông trung niên có vẻ hốt hoảng và tức giận. Tôi thấy ông ta co tay trái thành Lôi ấn, chuyển chân thành bộ Cương, ngưng thần nắm chặt bó nhang trong tay…
Không hiểu động lực nào giật tôi ra khỏi đám đông, chạy đến chụp cổ tay ông lại. Người đàn ông quay sang nhìn tôi với vẻ khó hiểu và bực dọc. nhưng lúc ấy tôi còn để ý gì nữa đâu. Chụp ly nước để trên bệ thờ, tôi kết ấn Cát Tường đọc kinh thỉnh Tổ. Một luồng khí ấm áp từ đỉnh đầu lan xuống, tôi lâng lâng sảng khoái. Không hiểu sao tôi bật nói một tràng tiếng lạ, khẩu âm giống giống tiếng Khơme nhưng không phải.
Người đàn bà đang vật vã bỗng dịu hẳn lại. Bà ta ngồi yên lắng nghe tôi nói một cách chăm chú. Thế rồi…
Người phụ nữ cất tiếng trả lời. Tiếng nói cũng âm hưởng giống cách phát âm của tôi. Cả hai nói chuyện qua lại với nhau liên tu bất tận. Nói ra thì kỳ, trước nay có bao giờ tôi biết nói tiếng Miên tiếng Lèo gì đâu. Hôm nay sao đột ngột xuất khẩu thành lời, một thứ ngôn từ mà mình chưa bao giờ học. Thầy tôi có nói, đó là tiếng âm, tiếng của chư vị Lục Tổ chư vị Lục Xiêm ở cõi giới trên trao điổi với nhau. Nghe thì nghe vậy chứ có áp dụng lần nào đâu mà biết, giờ đây gặp chuyện, cái thứ tiếng lạ đó cứ tuôn trào như nước chảy. Lạ hơn nữa là người phụ nữ nói đến đâu, tôi hiểu ngay đến đó, hiểu một cách tự nhiên như đang nghe tiếng mẹ đẻ của mình…
Trao đổi với nhau một hồi lâu, người phụ nữ gật đầu ra vẻ đồng ý. Tôi liền bước tới gần hớp một hớp nước trong ly phun lên phía sau lưng người phụ nữ. Bà ta ưỡn người dựng đứng thân mình rồi rũ xuống như tàu lá chuối bị gió quật gãy. Sợ phần điển xuất ra mang theo sinh khí, tôi liền quỳ xuống phía sau lưng hoạ chữ Phật trong phép của Tổ sư Đại động vào giữa hai vai người phụ nữ, miệng lâm râm khấn vái:
MÔ TÂY PHƯƠNG SƯ TỔ, ÔNG BÙA ĐẠI TIÊN, LỤC CỤ CHUI.
NAM MÔ ÔNG BÙA, ĐỨC PHẬT VƯƠNG TRỢ LỰC CHO ĐỆ TỬ LÀM PHÉP GIÚP Đ ỜI..
Thời gian trôi nhanh khoảng chừng hớp một chung trà, người phụ nữ cựa mình tỉnh dậy. Bà đưa mắt ngơ ngác nhìn quanh như dò hỏi. Tôi ngoắc mấy người ngồi gần đưa bà ta ra khỏi tâm vòng tròn, đoạn trả chung nước lại trên bàn thờ. Tiện tay, tôi thắp bảy nén nhang kỉnh lễ chư vị…
Người đàn ông trung niên nãy giờ im lặng quan sát việc làm của tôi bây giờ mới lên tiếng:
- Chào huynh, chẳng hay huynh là…
- Dạ, tôi ở Sài Gòn mới xuống hồi chiều này.
- Tôi cũng ở Sài Gòn đây. Chẳng hay huynh ở quận mấy?
- Dạ, tôi ở quận 5, gần chùa Bà Thiên Hậu đường Nguyễn Trãi.
- Còn tui ở quận 8, gần cầu Chà Và. Tui với bổn đạo - vừa nói ông vừa chỉ mấy người ngồi quanh – cũng mới xuống hồi chiều này.
- Huynh ở gần cầu Chà Và vậy có ở đường Bến Ba Đình không vậy?
- Ủa, huynh biết hả? Tui ở cuối bến Ba Đình, gần chợ Xóm Củi đó.
- Dạ, thỉnh thoảng tôi cũng có qua đó thăm người quen – Tôi cố tình dấu tung tích của thầy mình.
- Hay quá. Vậy khi nào có qua, huynh cứ đến gần ngã ba hỏi thăm cậu Ba Hồng, ai cũng biết tui hết đó. Có dịp huynh ghé qua nghen. Còn đây là thằng Bình, học trò của tui – Ông ta quay sang chỉ người thanh niên đứng bên cạnh.
Khẽ gật đầu chào anh ta, tôi trả lời cho xong chuyện:
- Dạ. Khi rảnh tôi sẽ ghé…
Chưa đợi tôi nói hết, cậu Ba Hồng - tức người đàn ông trung niên - đã vội kéo tôi ra ngoài vòng tròn và hỏi nhỏ:
- Hồi nãy, huynh trao đổi gì với mấy ổng vậy?
Thì ra huynh ta đang thắc mắc cái vụ nói chuyện tiếng âm. Tôi cười hỏi lại cắc cớ:
- Vậy huynh biết mấy ổng là ai hôn?
- Tui biết là chư vị thôi, còn là ai thì chưa rõ lắm.
- Chưa rõ mà huynh định dùng Ngũ Lôi đánh người ta, thiệt là …
Ba Hồng cười gượng:
- Hồi nãy, thấy nó lì quá nên tui định trục ra…
Lần này đến tôi nghiêm mặt:
- Tôi nói thiệt lòng, mong huynh tha lỗi nếu có gì xúc phạm. Huynh chưa biết là ai, cũng chưa hỏi rõ ngọn nguồn đã thủ ấn đánh người, không khéo sau này gặp chuyện phiền phức không gỡ nỗi đó. Người ta là điển cô cậu, chưa đủ thời kỳ về xác, huynh triệu thỉnh các vị nhập về lại không giải điển được làm người ta bị kẹt trong xác, vậy mà còn định đánh Ngũ Lôi nữa thì lỗi của huynh nhiều quá xá.
Cậu Ba chống chế:
- Tôi nghĩ nếu là chư vị thì phải xuất nhập bình an chứ, có lý đâu lại …
- Muốn về xác phải có sắc lệnh. Cái xác thối tha này, nhất là xác nữ càng nhiều uế trược, ai mà ngự cho được chứ. Lỡ vào rồi chẳng khác gì cá vô lờ, mắc kẹt lại xác làm sao mà chịu nổi… Hồi nãy, các vị giận huynh lắm đó.
Cậu Ba Hồng dường như thấm thía, thở dài ngồi im nhìn vào khoảng không trước mặt…
***
Chuyện ấy xảy ra thắm thoắt đã gần 10 năm.
Sau này, thỉnh thoảng qua thăm thầy, tiện đường tôi cũng có ghé nhà cậu Ba Hồng chơi. Nhà cậu cũng không rộng rãi gì, một trệt một gác gỗ. Điện thờ ở trên gác, phần nhà trệt để bán tạp hoá và phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh. Những chuyện giao lưu qua lại có lẽ không cần thiết phải dài dòng làm gì. Có điều, tôi không thường ghé nhà cậu mặc dù cậu rất quý tôi. Bởi mỗi lần ghé, ít nhiều gì tôi cũng phải ngồi đồng tiếp xúc với một loạt các đồng đạo của cậu ta. Nhìn thấy các vị ấy cứ lúc âm lúc dương, không bao giờ chịu tự chủ bản thân mà tu tiến, lúc nào họ cũng chờ đợi có ai nhập xác để nói chuyện huyền cơ khiến tôi cảm thấy buồn lòng. Chư vị về tá điển làm việc giúp đời chẳng qua là muốn lập đủ các công đức để thằng lên bậc cao. Công đức ấy, phần xác được hưởng một phần. Nếu ai biết nương theo điều đó mà tu tập thì mau thăng tiến, ngược lại sẽ trở thành con đồng không hơn không kém.
Tôi buồn và không muốn tiếp xúc vì hầu hết những người tôi gặp đều sống dựa vào cõi vô hình. Thậm chí không ai giáng điển họ cũng tìm cách gật gù ỡm ờ cho có vẻ linh thiêng huyền bí, nói chuyện thì cứ như người cõi trên, áo quần thì luôn khác người. Nếu không loè loẹt phấn son thì cũng ra vẻ tiên nhân giáng thế. Hỏi thăm gia đình họ mới biết đa số là con cái lang thang học hành không đến nơi đến chốn, vợ chồng hục hặc. Tôi chạnh nghĩ, lúc nào họ cũng ở trên mây như thế, chả trách chồng, vợ, con cái nản lòng mà xa cách. Tôi có đưa vấn đề ra nói thẳng, nhiều vị còn tỏ vẻ giận dỗi hoặc đổ thừa cho căn số. Thiết tưởng, căn số là hoàn cảnh trớ trêu mà con người tìm mọi cách thoát ra nhưng không thoát. Còn họ cứ bỏ nhà bỏ cửa đi hết chùa này miễu nọ, hết đình to am nhỏ, hết núi lớn đến sông dài thì gia đình làm sao cung phụng cho nỗi…
Càng nghĩ, tôi càng thấy họ xa dần những điều Phật dạy, mê mãi trong ánh hào quang mà chư vị tá về giúp độ. Ngày nào đó không xa, khi công thành quả mãn, chư vị rút điển đi còn trơ lại xác thân, lúc bấy giờ nghiệp đổ ra không ai gánh chịu giùm mình…
Bẵng một thời gian rất lâu tôi không ghé, nghe đâu gia đình cậu Ba bán nhà đi về kinh tế mới ở tận Bù Băng – Sông Bé (bây giờ là Bình Phước). Thằng Bình là đệ tử thân thiết, cũng không có người thân nên cậu Ba Hồng đưa nó theo sống chung.
Vậy mà thoắt cái đã hơn ba năm …
***
- Dạ.. thầy em có lời hỏi thăm huynh và anh Hai…
Câu nói của Bảy Bình kéo tôi trở về với thực tại.
- Vậy dạo này cậu Ba ổng sống ra sao?
- Vất vả lắm huynh ơi - Giọng Bảy Bình lắng xuống cố nén một tiếng thở dài.
- Đành chịu thôi. Về vùng kinh tế mới mà, có phải như ở thành phố đâu mà đòi hỏi tiện nghi sung sướng.
Minh Tịnh cũng góp vào một câu:
- Ngẫm ra chỉ ở tại đất Sài Gòn này là hạnh phúc nhất. Có nghèo đến đâu cũng không đến nỗi đói kém.
- Về trên ấy, mọi người sống bằng gì?
- Dạ, thì cũng làm rẫy là chủ yếu.
- Ở trên đó yên tĩnh, gần rừng núi, chắc là cậu Ba ổng luyện dữ lắm hả Bình?
Thằng Bình khẽ cúi đầu:
- Mất hết rồi huynh ơi. Thầy Tổ hết độ rồi…
- Vậy là sao ? – Tôi ngơ ngác.
- Dạ… sư phụ không những chữa bệnh hết được mà còn bị ma rừng phá phách nữa!
- Trời đất! Có chuyện đó sao?
Bảy Bình bắt đầu kể, nó kể nhiều lắm nhưng tôi chỉ lược thuật lại hai câu chuyện :
… Sau khi về Sông Bé gần một năm thì các nguồn hỗ trợ dành cho người đi kinh tế mới cạn sạch. Chính quyền thì ở xa, điều kiện đi lại thì khó khăn, rẫy bắp trồng suốt thời gian qua không cho được bao nhiêu trái, lại không bán được cho ai. Thế là đói.
Thầy trò thằng Bình phải đi bẫy thú, bắn chim để cải thiện.
Hôm đó, hai thầy trò đang đi thăm bẫy thì nghe tiếng ếch kêu vang rân. Cậu Ba soi đèn và phát hiện trên mấy gò đất ếch hội đầy. Con nào con nấy bự bằng bàn tay trở lên. Mắt ếch phản chiếu ánh đèn lấp lánh. Mừng rỡ như bắt được vàng, hai thầy trò bỏ cả việc thăm bẫy lao vào bắt ếch. Cái dòng ếch nghĩ cũng lạ, bị đèn chiếu vào mắt là ngồi trơ ra như bị thôi miên, người ta chỉ có việc bước tới nắm lấy ngang thân bỏ vào lồng.
Chẳng mấy chốc, cái lồng đan bằng tre lồ ô đã đầy. Hai thầy trò khệ nệ mang về nhà, vừa đi vừa tiếc rẻ mấy con ếch chưa bắt.
Đổ hết giỏ ếch vào cái lu gạo đã trống rỗng, thằng Bình chắn lên nắp đậy một cục đá to cho chắc ăn. Nó cẩn thận để hở ra một chút vừa đủ cho lũ ếch không chết ngộp. Xong, hai thầy trò đi ngủ. Cậu Ba vào ngủ trong buồng, thằng Bình ngủ ở nhà sau….
Chỉ mới lim dim chưa kịp thả hồn thì.. thằng Bình chợt nghe không khí yên lặng một cách lạ kỳ. Cái im lặng thật đáng sợ. Nó tạo cho người ta một cảm giác bất an. Thằng Bình trăn trở một hồi chợt nhận ra nãy giờ không hề nghe tiếng ếch kêu. Quái! Không con này kêu thì cũng còn con khác chứ, lẽ nào im dữ vậy!
Nó mò mẫm trong bóng tối lần ra sau hè. Đứng bên lu ếch, Bình đánh que diêm cháy sáng. Một tay cầm diêm, một tay kéo nắp lu xích ra một chút. Vừa nhìn vào lu, Bình đã hốt hoảng hét lên…
(TADN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét