Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010
Núi Cấm
Thiên Cấm Sơn, còn gọi là núi Cấm thuộc Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) – là một trong bảy ngọn núi nỗi tiếng linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân ĐBSCL. Tử thuở xa xưa, đó là nơi tử địa, sơn lam chướng khí ngùn ngụt, chỉ có những đạo sỹ ẩn dật luyện phép tu tiên mới dám đặt chân đến.
Ngày nay, Thiên Cấm Sơn trở thành một khu du lịch tín ngưỡng. Quanh năm suốt tháng, người hành hương khắp các nơi đổ về chiêm bái Phật và phiêu lưu khám phá gần hàng trăm am cốc – nơi lưu dấu những bậc chân tu vạch rừng, trị hổ, khai sơn, phá thạch tìm nơi tĩnh lặng tu luyện phép thần thông.
Chúng tôi lên đỉnh Thiên Cấm Sơn tìm hiểu những phận người bám núi.
Vượt qua khỏi chiếc cổng soát vé của văn phòng Ban Quản lý khu Du lịch, vượt khỏi dãy quán trùng điệp dưới chân núi và hàng trăm lời chào mời mọc giữ xe, mời mọc đi Honda ôm, chúng tôi cho xe mô tô chạy thẳng lên đỉnh núi. Không ít điểm giữ xe gọi mời chúng tôi theo kiểu “chợ búa”: “Ê! Gởi xe đây này. Honda ôm đây này. Không ai cho khách chạy xe lên núi đâu”. Tưởng chỉ là lời dọa suông để kiếm khách của cánh Honda ôm, không ngờ, khi vượt qua khỏi vạt chân núi, chuẩn bị rú ga lên dốc, chúng tôi phải dừng xe trước một cái barie xấu xí chắn ngang đường. Một thanh niên mặc áo xanh – Loại áo đồng phục của cánh Honda ôm – bước ra, bảo: “Xe không được lên núi. Muốn lên núi, anh chị phải gởi xe ở đây, giá 2000 đồng/ chiếc rồi thuê xe Honda ôm 50.000 đồng/ cuốc lên, cuốc xuống”. Chúng tôi trình giấy tờ, anh chàng giãn gương mặt ra cười rồi khoát tay cho qua. Sau này chúng tôi được http://phongsuvietnam.com/admin/admin.php?op=newsadminhomebiết chỉ có xe của lực lượng Honda ôm, xe du lịch của Cty Du lịch Lữ hành Núi Cấm và của người dân sống trong khu vực du lịch mới được lên núi.
Đường lên núi dài khoảng 8 km và dốc nghiêng suốt từ 10 đến 15 độ cùng với nhiều khúc cua “tử thần” khiến chiếc mô tô 150 phân khối của chúng tôi cứ ì è gầm rú. Chỉ cần chiếc xe tắt máy giữa chừng, đứt thắng hoặc tuột xích, độ dốc ấy có thể “đưa” chúng tôi lộn nhiều vòng về đến tận chân núi. Mặt đường tráng nhựa, rộng rãi, có biển báo và thanh chắn bảo vệ nhưng một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thung lũng thăm thẳm, những ai yếu tay lái không thể chinh phục nỗi đoạn đường.
Những chiếc Honda ôm đã được thay loại nhông xích dành cho leo núi nên cứ chạy bon bon qua mặt chúng tôi vì vèo. Kể cũng phải, với độ nghiêng của mặt đường như vậy, nếu cho xe khách tự do lên núi thì vào mùa lễ hội cúng chùa, hàng ngàn lượt khách/ ngày sẽ khiến nhiều tay lái chưa có kinh nghiệm vượt dốc đèo sẽ gây nhiều phiền toái cho các bệnh viện.
Anh Danh – Một tay lái của Nghiệp đoàn (NĐ), vốn là dân “nghèo có sổ” vì phải nuôi 3 đứa con ăn học mà chẳng có miếng đất cắm dùi. Anh vay được chút vốn XĐGN, “làm gân” mua trả góp chiếc xe “tàu” chạy Honda ôm từ năm 2006. Mỗi tháng nộp quản lý phí cho NĐ 3.000 đồng và mỗi ngày nộp bến bãi sắp tài 2000 đồng, đồng thời nhín ra chút đỉnh trả góp tiền mua xe, anh có thu nhập trung bình hơn 70.000 đồng/ ngày, thế là thoát nghèo ngay tắp lự. Nhờ vậy, mấy đứa con anh ăn học đầy đủ. Anh nói: “Nếu chịu khó chạy Honda ôm là hết nghèo”. Anh khoe, mới đóng tiền học nghề cho thằng con trai lớn vừa học xong phổ thông. “Khi nào thằng nhỏ học nghề xong, tui đóng tiền cho nó đi XKLĐ. Vậy là khỏe re”.
Khi trở xuống núi, chúng tôi gặp anh Ba Chung, có tên khai sinh là Nguyễn Trung Thành. Ba Chung là người khai sinh và cũng là Chủ tịch NĐ xe Honda ôm Núi Cấm. Ba Chung cười khà: “NĐ xe Honda ôm Núi Cấm đã XĐGN, GQVL cho hơn 400 người của 2 xã An Hảo và Tân Lợi của Tịnh Biên đó”.
Ngày xưa, con đường độc đạo lên Núi Cấm hành hương chỉ có thể đi bộ bằng chân. Năm 2001, Chính quyền An Giang đầu tư hàng tỷ đồng thi công con đường lên núi để khai thác du lịch. Thuở ấy, chỉ có cánh Honda ôm lái lụa mới dám chở người lên đỉnh núi. Do mạnh ai nấy chạy nên cảnh giành khách, đánh lộn xảy ra thường xuyên. Để chấn chỉnh tình trạng bát nháo, năm 2004, Ba Chung đứng ra xin Chính quyền xã cho phép thành lập NĐ để đưa những tay lái lụa vào tổ chức, khuôn khổ.
Khi NĐ hoạt động nề nếp, nhiều anh em địa phương thuộc diện Bộ đội xuất ngũ, người Dân tộc thiểu số, nghèo khó, thiếu đất sãn xuất, thiếu vốn muốn chạy xe Honda ôm, Ba Chung dẫn ra cửa hàng bán xe bảo lãnh đề mua xe trả góp. Lẩm đẩm, đến nay đã có gần 200 chiếc Honda ôm do chính Ba Chung bảo lãnh.
Để tránh việc một số khách tham quan đem xe Honda theo chạy liều lên núi dễ gây tai nạn, NĐ đành phải làm rào chắn. Việc này làm một số người khó chịu, tuy nhiên, để đảm bảo tính mạng cho khách tham quan viếng chùa, Chính quyền xã ủng hộ việc làm này. Số xe tham gia NĐ đều được mua BH cho tài xế lẫn hành khách. Anh Danh – Một Đoàn viên NĐ cho biết: “Từ hồi lập NĐ tới giờ, chưa từng có tai nạn giao thông xảy ra trong khu du lịch Núi Cấm này. Tại vì kinh phí eo hẹp, cái barie chắn đường chưa được khang trang cho lắm”. Để tránh phiền toái cho cư dân sống trong khu vực du lich, NĐ làm hai loại biển số gắn trước đầu xe. Xe của NĐ thì gắn biển xanh có số mã kèm theo chữ XK, còn xe của “dân sự” thì gắn biển vàng có mã số kèm theo chữ XN.
Không chỉ biết kiếm tiền, dân NĐ còn làm được nhiều chuyện xã hội “đỡ hổng nổi” như bắt cướp giật, móc túi, chữa cháy. Mấy năm trước, cứ đến mùa khô là xảy ra vài vụ cháy. Cứ nghe hiệu lệnh báo cháy, dân NĐ tự giác kéo xe lên núi cả trăm người tham gia cứu cháy trước khi lực lượng chuyên nghiệp có mặt. Nhờ vậy, NĐ liên tục nhiều năm được huyện, tỉnh tặng bằng khen về thành tích chữa cháy. Riết thành quen, giờ người ta xem dân NĐ là lực lượng chữa cháy “chuyên nghiệp” tại chỗ. NĐ còn xây hàng chục nhà tình thương cho bà con nghèo trong 2 xã, làm “dân phòng gác đêm”, làm nhân viên cứu hộ một cách tự nguyện. Hồi năm 2006, con đường lên núi thi công giai đoạn cuối không thể đi được, anh em trong NĐ hùn công sức để mở một con đường mòn cho bà con hành hương đi từ chân núi lên chùa Phật nhỏ, sang chùa Phật lớn dài hàng chục cây số.
Nhiều anh em đã từng lè phè, giờ vào NĐ sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Nhiều anh em nghèo rớt nay khá giả như anh Huy, anh Sanh, anh Mách…
Đầu năm 2008, Cty Du lịch Lữ hành An Giang bắt đầu đưa xe du lịch 7 chỗ lên phục vụ khách tham quan lên núi. Tuy chia sớt bớt lợi nhuận nhưng anh em cũng vui.
NHỮNG THÂN PHẬN MỒ CÔI DƯỚI CHÂN ĐỈNH MỒ CÔI
Hôm sau chúng tôi lại vượt đèo lên đỉnh núi Cấm, dự định tìm lão Ba Trui – Vị đạo sỹ cuối cùng của thế kỷ 21 đi khai sơn phá thạch ẩn dật từ giữa thế kỷ 20 trên ngọn núi linh để tìm chân lý đạo pháp của đất trời, nay đã gần 100 tuổi. Thế nhưng chúng tôi đổi ý định khi biết ở vồ Mồ Côi có một người đàn ông bình thường đang nuôi dưỡng 12 đứa trẻ bị chính cha mẹ đẻ từ bỏ.
Mồ côi là một trong số vài chục mỏm núi nhỏ mọc chi chít trên mình Núi Cấm. Người dân địa phương gọi những mỏm núi nhỏ ấy là “vồ”. Vồ Mồ Côi thuộc tổ 4 của ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, nằm ở sườn phía Tây của đỉnh núi chính. Lý giải về cái tên “Mồ Côi”, một người sống lâu năm trên núi cho biết: “Vì nó lẻ loi, cheo leo, trên sườn núi nên người đời xưa đặt tên như vậy”. Theo lời một người dân địa phương, để sang được bên đó, phải cắt rừng vượt qua 5 ngọn đồi trắc trở.
Biết tôi có ý định sang vồ Mồ Côi, anh Hồ Hồng Sơn, thường được gọi là Sơn Cụt, là người đến núi sinh sống từ năm 1975 đến nay, tự nguyện làm người dẫn đường. Trước khi lên đường, chúng tôi gặp anh Lê Đình Bàn - Ủy viên thư ký Chi bộ ấp Vồ Đầu. Anh Bàn cùng tham gia chuyến đi.
Sáng sớm, nắng tháng ba hanh hao chan hòa khắp ngọn núi khiến những đám mây la đà trông như sương khói chỉ dám trôi phớt qua tít đàng xa, nơi những vạt rừng xanh thẳm phía lưng chừng núi. Chúng tôi tiến vào cánh rừng đầy nắng, men theo những con đường mòn đầy xác lá khô. Chỉ ít phút sau, cánh rừng tối thẳm vì những tán cây đan lá chằng chịt trên cao. Chúng tôi đã phải dò từng bước thận trọng khi xuống và đi bằng “4 chân” khi lên lúc vượt qua những thung lũng dựng đứng, đá lởm chởm. Nhân lúc nghỉ chân bên bệ đá ven đường, Sơn “cụt” bảo: “Cách nay 30 năm, nơi đây chỉ toàn cây đại thụ, gốc khoảng 4-5 người ôm không xuể. Do khai thác quá nên bây giờ chỉ còn cây nhỏ và thưa”.
Gần 2 giờ lầm lũi trèo đèo vượt dốc giữa rừng núi hoang vu vắng lặng, cuối cùng chúng tôi gặp một tốp 4 thanh niên tay cầm búa đẽo, tay cầm ná thun đi ngược chiều. Đó là những thợ săn thằn lằn bay – Một loại bò sát có cánh, mà các nhà sinh vật học đã từng tuyên bố tuyệt chủng. Thế nhưng nơi đây, giống vật này vẫn còn hiện diện. Có lẽ đây là thông tin đáng sốc đối với các nhà khoa học. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong dịp khác, bởi hiện tai, thông tin gây sốc nhất đối với chúng tôi mà cánh thợ săn cho biết: Chúng tôi đã đi lạc.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do “rảnh hay sao mà vô rừng?”. Nhóm thợ săn vui vẻ đưa chúng tôi cắt ngang cánh rừng đến nơi cần đến. Chúng tôi lại “bò lổm ngổm” lên 2 ngọn đồi cao um tùm cây nguyên sinh. Chốc sau, một ngôi nhà mái tôn ẩn hiện phía dưới một con dốc. Anh Bàn bảo: “Nhà anh Bông đó”. Chúng tôi không thể thở hồng hộc nhưng nhẹ nhỏm. Chủ nhân ngôi nhà đang quay quần giữa một đám trẻ cười khà khà chào chúng tôi: “Sao thở dữ vậy?”. Đám trẻ chi chit 10 đứa không sợ khách lạ. Chúng thân thiện bao quanh hỏi han. Chủ nhân đón chúng tôi vào nhà theo kiểu “tứ hải giai huynh đệ”, không khách sáo, không lễ mễ.
Một đứa trẻ khoảng 18 tháng tuổi đang đứng trong lồng củi bú sữa bình, vừa trông thấy X.D. đã khóc thét đưa tay đòi bế và không thể tách ra được.
Sau vài ly trà, chủ nhà bắt đầu tâm sự: “Tôi vốn là bộ đội, quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia…”. Anh tên Nguyễn Tấn Bông sinh năm 1965, quê quán ở Bình Thủy, Cần Thơ.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1987 anh xuất ngũ về Bình Thủy, Cần Thơ đảm nhiệm chức vụ Xã đội phó quân sự. Năm 1991, mẹ anh bị bệnh nan y cần điều trị bằng thuốc nam. Nghe đồn thuốc của mấy đạo sỹ Núi Cấm hay, hàng tháng, anh đưa mẹ đi xin hốt thuốc một lần. Sau vài lần điều trị bằng thuốc nam, thấy bệnh thuyên giảm, mẹ anh ngỏ ý muốn ở lại núi luôn để tiện trị bệnh. Không nỡ để mẹ ở núi một mình, anh xin nghỉ việc, gom chút tiền lên chân núi sang lại một quán cà phê vừa kiếm tiền sinh nhai vừa nuôi mẹ trị bệnh. Năm đó, dân núi trồng rẫy hoa màu dưới tán rừng rất khấm khá, anh nhờ người quen đứng tên mua lại 30 công đất trên vồ Mồ Côi để sản xuất. Vồ Mồ Côi là nơi gần như tận cùng của triền núi phía Tây, đi lại rất khó khăn vì vậy, giá sang nhượng rẻ, phù hợp với túi tiền vốn khiêm tốn của anh. Vừa giữ rừng, vừa sản xuất hoa màu, vừa gánh thuê kiếm tiền, anh khấm khá dần. Thấy anh có đạo đức, bà con địa phương đề cử anh làm Phó ban Nhân dân ấp vào năm 1997. Năm 1998, thấy mình không thể làm tròn nhiệm vụ, anh xin từ chức.
Năm 2001, nghe tin em gái ở quê Cần Thơ sắp sinh con, anh Nguyễn Tấn Bông đưa mẹ về thăm. Người em rể đưa vợ vào bệnh viện phụ sản Cần Thơ để sinh nở gặp một người phụ nữ nghèo làm thuê bị ông chủ cưỡng dâm mang thai, hiện không có tiền đóng viện phí. Nghe em rể kể, anh động lòng đưa mẹ vào bệnh viện tìm gặp kẻ hoạn nạn để giúp đỡ chút tiền. Vừa gặp anh, người phụ nữ khóc, bảo: “Tôi không nhà cửa, không tiền, sinh xong, không biết phải làm sao để nuôi con. Nếu anh có lòng từ tâm xin nhận nuôi dùm con tôi”. Động lòng trắc ẩn, anh bàn với mẹ nhận lời mặc dù đứa trẻ chưa ra đời. Hai mẹ con anh thay phiên làm thân nhân chăm sóc người phụ nữ khốn cùng đó đến nỗi người của bệnh viện ngỡ anh chính là người chồng.
Sinh xong, bệnh viện làm thủ tuc cho anh nhận con nuôi. Anh mang đứa trẻ sơ sinh về núi nuôi bằng sữa bình. Đứa trẻ ấy anh đặt tên là Sơn Ngọc, giờ đã 7 tuổi.
Một năm sau, có người phụ nữ sinh xong bỏ con lại bệnh viện rồi trốn. Bệnh viện nhờ người gọi anh để giao. Thế là anh nhận đứa thứ hai, thứ ba rồi đến đứa thứ 12 trong suốt 5 năm. Chỉ riêng năm 2003, anh nhận đến 4 đứa. Dù không vợ nhưng anh chăm sóc tất cả những đứa trẻ ấy rất tốt. Đứa nào cũng khỏe mạnh. Duy nhất chỉ có cháu Nguyễn Sơn Thành, anh nhận về nuôi trong tình trạng cháu mắc bệnh úng thủy não. Mặc dù đã có khuyến cáo bệnh tình của cháu nhưng anh không thể từ chối. Anh đã chấp nhận tốn hàng chục triệu đồng để chữa chạy cho cháu nhưng cuối cùng cháu cũng không khỏi ở tháng tuổi thứ 8. Anh rưng rưng nước mắt khi kể về cháu Thành: “Tôi như đứt ruột gan. Tuy không sinh nhưng số phận đã đưa nó đến với tôi”. Anh hoàn toàn không quan tâm về nhân thân của cha mẹ các cháu: “Chúng là những sinh linh vô tội. Cha mẹ chúng đã vì một hoàn cảnh éo le nào đó không thể nuôi được. Mình có điều kiện thì mình nuôi. Tôi nghiệm ra rằng, ở đời, không cần tu cao, luyện lâu mới tìm ra chân lý của đạo pháp. Tôi là người trần tục, tôi tìm thấy hạnh phúc trong việc chia sẻ tình thương với đám trẻ bất hạnh gánh tội thay cho cha mẹ này”.
Tất cả những đứa trẻ đều được sinh ra ngoài ý muốn của cha mẹ. Có người mẹ vì một phút ham vui, xao lòng trước lời tán tỉnh của kẻ sở khanh. Có người mẹ, sau khi nhờ anh nuôi nấng cứ bịn rịn khóc không thành lời.
Những đứa trẻ sơ sinh mới về nhà thường khóc quấy đòi hơi ấm của người mẹ, anh đã phải thức suốt ngày đêm ấp trong vòng tay thương yêu của mình mà lòng như xát muối. Có khi, nhìn những gương mặt ngây thơ ngủ ngon, anh buồn cho những người mẹ xa con.
Chưa vợ nhưng lại nhận con nuôi, anh cũng chịu không ít lời đàm tếu. Có người độc miệng, bảo rằng, anh có thói trăng hoa nhưng trốn trách nhiệm nên bị các cô gái ném trả con. Anh cười hiền: “Rồi họ sẽ hiểu sau. Mình làm việc thiện là làm cho chính mình chứ không phải làm cho miệng đời khen chê. Tôi không trách ai cả”.
Em gái ruột của anh Bông có kinh tế ổn định đã chia sớt với anh một đứa nên hiện giờ anh chỉ nuôi 10 đứa. Trong đó chỉ có một cô con gái được đặt tên Nguyễn thị Cẩm Như mới 4 tuổi. Tất cả con trai anh đều đặt tên lót là Sơn. Chú nhóc nhỏ nhất tên Nguyễn Sơn Minh chỉ vừa tròn 18 tháng tuổi.
Chúng tôi hỏi về việc anh tự bỏ tiền của mở một con đường đi vào vồ Mồ Côi, anh bảo: “Tháng 8 sắp tới, thằng con trai đầu Sơn Ngọc đã đến tuổi đi học, tôi phải mở đường cho nó đến trường. Đường mở xong, xe Honda leo núi chạy ra tới trường được”. Thì ra, anh đã mở một con đường mới cắt rừng. Vì không biết nên khi vào chúng tôi đã đánh một vòng khá xa bằng con đường hiểm trở.
Tất cả những đứa con của anh Bông đều hiếu động nhưng ngoan ngoãn vâng lời cha. Điều đó chứng tỏ anh giáo dục chúng rất tốt. Có lẽ nhờ được rèn luyện trong quân ngũ, anh Bông đã dạy bọn trẻ ngăn nắp, vệ sinh. Đứa nào cũng sạch sẽ, tươm tất.
Nhìn bọn trẻ vô tư quấn quít bên nhau chơi đùa chúng tôi tin rằng số phận chúng đã thay đổi từ bất hạnh sang hạnh phúc khi gặp một người cha như anh. Nói về tương lai, anh bảo: “Tôi sẽ nuôi chúng tươm tất, ăn học đàng hoàng cho đến năm 18 tuổi. Khi ấy, chúng muốn tìm lại cha mẹ, tôi sẽ giúp chúng”. Chúng tôi hỏi: “Vì sao anh chưa lập gia đình?”. Anh cười buồn: “Ngày xưa, tôi đã từng yêu thương một cô gái nhưng gia đình cô ta từ chối. Cho đến giờ, tôi vẫn không có ý định ở một mình đâu nhưng liệu có người phụ nữ nào chấp nhận cảnh sống núi rừng, nuôi bầy trẻ mồ côi của tôi? Thôi, tới đâu hay tới đó. Vả lại, nguồn vui của tôi bây giờ là những đứa con ngoan”.
Cháu Sơn Ngọc lớn nhất trong bọn trẻ nói ngây thơ: “Lớn lên, con sẽ đi làm để nuôi cha và bà nội. Con sẽ học thật giỏi để làm người lớn”. Cái ý nghĩ ngây ngô của đứa trẻ không còn mồ côi nữa đã khiến chúng tôi xúc động. Anh khoe: “Tôi vừa hoàn tất thủ tục để nhập hộ khẩu cho tụi trẻ”.
Chúng tôi bắt gặp 2 tấm bằng treo trân trọng trên vách nhà. Đó là Huân Chương Chiến công hạng 3 do chủ tịch Nước trao tặng vì đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và bằng khen của Chi cục Kiểm lâm An Giang về thành tích phòng chống cháy rừng. Cả hai tấm bằng đều trao tặng cho anh.
Chúng tôi chia tay trở về bằng con đường của anh dọn chuẩn bị cho bọn trẻ đi học. Khác với đường mòn của thiên nhiên. Con đường này cũng ngoằn nghoèo dốc đứng, ưỡn ẹo đèo sâu, có đoạn phải khoét sâu xuống núi hơn 1 mét nhưng không thể đi lạc. Con đường nối trái tim anh Bông dài đến trường học để bọn trẻ làm người lớn.
Hình như đây đó trong lòng núi thiêng, một chân lý đời đang tỏa sáng. Chúng tôi bỏ ý định tìm gặp vị đạo sỹ cuối cùng của thế kỷ.
THEO CHÂN THỢ SĂN “CON THUỐC”
Sáng tinh mơ, những vạt mây trắng xoá vắt ngang vồ Thiên Tuế khiến mọi thứ cứ mù mờ ẩn hiện.
Đúng hẹn, Thiện đón chúng tôi tại ngưỡng rừng dưới chân tượng Phật Di Lặc. Thiện không phải dân núi mà là dân chợ Tịnh Biên. Là dân chợ nhưng anh không bám chợ mà bám núi làm thợ săn. Thiện toét lớp da đen thui trên mặt mở hàm răng trắng toát ra cừơi: “Thợ săn trên núi Cấm ngày xưa chuyên săn heo rừng, hổ dữ, thời nay, thợ chỉ có cơ hội săn thằn lằn”. Săn thằn lằn đúng nghĩa chứ không phải nói bóng gió, có điều, đó là loai thằn lằn bay, có cánh. Ngoài ra, Thiện còn săn con nhện hùm - một loại nhện độc to ằng nắm tay người, rất hung dữ. Thằn lằn bay và con nhện hùm là hai loại được các thầy thuốc Đông y ưa chuộng.
Dụng cụ của Thiện chỉ là chiếc dàn thun bắn bi đất sét, cái túi vãi đựng “chiến lợi phẩm”, bình ton nước uống và nắm cơm vắt.
Chúng tôi khởi hành khi tia nắng đầu tiên bắt đầu rơi xuống núi. Thiện mở đường đi trước. Từ chân vồ Thiên Tuế, chúng tôi cắt rừng đi về hướng điện Bát Tiên trong cái âm u rừng thẳm và tĩnh lặng của thiên nhiên. Rừng núi Cấm không bằng phẳng mà chập chùng từng con dốc. Trong khi Thiện đi thoăn thoắt, chúng tôi phải tận dụng hai tay, hai đầu gối và cả khuỷu tay để ôm từng gốc cây, lần từng ngọn nguyên sinh tiến tới. Vậy mà có lúc vẫn trượt chân suýt ngã lăn. Có những đoạn dốc dài và sâu hút mắt, chỉ cần sơ ý, chắc chắn trong phút chốc, người bị ngã sẽ lăn lộn tùng phèo xuống nắm ngay đơ cán cuốc dưới kia.
Con người đã tàn phá mất sạch vẻ nguyên sơ của rừng cổ thụ, giờ chỉ còn lại những loại cây nhỏ. Khi bò dưới những hốc đá ẩn nấp trong những thung lũng âm u, chúng tôi cảm nhận rất rỏ nỗi hoang mang trước sự câm lặng, kỳ bí của những hang sâu lạ lẫm xuất hiện giữa thân khối đá khổng lồ. Những cái hang to khoảng 1 mét đường kính, ăn sâu hun hút vào lòng đá, nếu không do thiên nhiên tác tạo, bàn tay con người thưở nguyên sơ hoang dã không thể đục khoét nỗi.
Chúng tôi bám dây rừng leo xuống một cái hang nhỏ, có đường kính khoảng 40 cm nằm lưng chừng dưới vách một tảng đá to bằng 2 tầng lầu bị dây leo che phủ gần hết. Miệng hang nhẵn thính như có ai đó dùng công cụ mài đá hiện đại tạo nên. Lòng hang sâu thẳm, đen ngòm. Chúng tôi định đưa tay vào khua khắng, Thiện thét: “Đừng! Chết như chơi đó. Coi chừng có một gia đình rắn độc nằm trong đó thì bà hú cả đám”. Thiện kể, vào khoảng năm 1999, một gia đình ở Châu Đốc lên đây làm tiều phu. Một buổi trưa, khi cả gia đình núp dưới một vách đá ngủ lấy sức, đứa con trai 12 tuổi chui thân mình vô một cái hang, thò đầu ra ngoài ngủ. Đến giờ làm việc, người cha đến lay con dậy, gọi hoài nó vẫn không chịu thức. Bực mình, ông ta túm đầu thằng con lay mạnh. Không ngờ, cái đầu rơi ra lăn lông lốc. Toàn thân thằng bé đã bị một loài vật nào đó trú trong hang rỉa rói ăn sạch. Ông ta căm tức chất củi đốt hang. Khi lửa đang cháy, có một cái gì đó vừa giống một con rắn có lông lá, vừa giống một cánh tay thò ra đập dập tắt lửa. Ông tiều phu hoảng sợ dắt vợ bỏ rừng không dám làm tiều phu nữa.
Chúng tôi rợn mình trước câu chuyện nữa hoang đường nữa hiện thực. Thiện tiếp tục câu chuyện: “Ở vùng núi này có rất nhiều hang không có đáy. Nhiều người lớn tuổi cho rằng, những cái hang này là con đường ăn thông giữa trần gian và địa ngục. Vì vậy, nó không có đáy”. Chúng tôi ném thử một hòn đá to bằng nắm tay và chờ đợi tiếng chạm đáy. Hoặc hang quá sâu hoặc hang không có đáy thật. Chúng tôi chờ đợi mãi không thấy tiếng đá chạm đáy.
Ở một cái hang to khác, một nguồn nước mát lạnh nằm ứ trong lòng đá. Nơi cửa hang, có ai đó bày một bệ nhỏ cắm đầy chân nhang. Nhiều người hành hương đến đây múc nước này đem về uống, tắm để trị bá bệnh. Nước lạnh như sắp đông đặc. Điều lạ là nước không bao giờ cạn, kể cả lúc hạn hán kéo dài. Có năm rừng bị cháy, dân địa phương đặt máy bơm vào hang lấy nước chữa cháy. Bơm suốt ngày, mực nước vẫn còn nguyên, không tuột xuống chút xíu nào. Có người gọi là hang nước, có người gọi là giếng thần .
Đó là những cái hang thuộc dạng “vô danh tiểu tốt”, vì núi Cấm có hàng trăm hang, động linh thiêng có tên gọi. Những cái tên gắn liền với hàng trăm chuyện linh thiêng. Vì linh thiên nên các đạo sỹ ngày xưa chọn làm nơi ẩn thân tu luyện và những cái hang đó trở thành “điện thờ” như: Hang Má Đẻ; Hang Tông; Hang Ông Thẻ; Hang Cửu Phẩm; Hang 13 tầng; Hang Thơm; Hang Bạch Hổ; Hang Bát Dật lang; Điện Bát Tiên… Một hang, mỗi điện đều có nhiều câu chuyện huyền bí của những vị đạo sỹ nay đã thành thánh, thần trong cõi tín ngưỡng.
Khi đi ngang một vạt nguyên sinh um tùm, chợt Thiện khoát tay ra hiệu yên lặng. Anh ta khom người tiến nhẹ nhàng đến một gốc cây, tay lăm lăm chiếc ná thun. “Chíu”, tiếng bi bay xé gió về hướng ngọn cây. Một sinh vật bay vút sang ngọn cây khác rồi mất hút. Thiện tiếc rẻ: “Hụt rồi!”. Một con thằn lằn bay vừa thoát chết. Thiện bảo, mùa này không phải mùa săn thằn lằn vì tiết trời đang hanh khô. Mùa này, thằn lằn trú mình trong những bọng cây, ít ra ngoài. Khi những cơn mưa mùa kéo đến là lúc thằn lằn bay ra tìm bạn tình phối giống. Đó là lúc thợ săn “hành quân” ngày đêm.
Thằn lằn bay có thân hình không khác thằn lằn nhà bao nhiêu. Chỉ khác một điểm là dưới nách hai chân trước, thằn lằn bay có một lớp màng mỏng xòe ra thành cánh. Chúng không vỗ cánh bay như chim mà phóng vào không trung rồi chao liệng qua cành cây khác. Vào mùa giao phối, khi chiều tà, những gã đói tình bay chấp chới trong không trung, thợ săn bắn đại lên trời cũng dính ít nhất một con. Tuy nhiên, đó là chuyện xưa. Ngày nay, do các thương lái từ khắp nơi để về lùng mua, thợ săn không chờ đến mùa giao phối, ngày não cũng đi “quần”, thằn lằn bay hiếm dần theo từng ngày. Thiện nghe ông nội của mình kể, ngày xưa, thợ săn bắt được thằn lằn bay nặng nửa ký, to bằng cổ tay là chuyện bình thường. Hiện nay, mỗi con thằn lằn bay thợ săn bán mối cho thương lái giá từ 2000 đồng đến 4000 đồng một con, tùy theo độ lớn nhỏ. Thương lái căng cánh, phơi khô bán lẻ cho khách mỗi con từ 4000 đồng đến 10.000 đồng. Từ dạo bắt đầu đi săn đền giờ, Thiện chỉ bắn được con lớn nhất cỡ bằng ngón tay cái.
Vào mùa, mỗi ngày, thợ săn như Thiện bắn được khoảng 30 con. Còn mùa này, có khi đi suốt ngày bắn được 2 con vừa đủ mua gạo nấu là may.
Ngoài ra, cánh thợ săn còn lùng bắt con nhện hùm khi có người đặt hàng. Nhện hùm là loại ở hang. Chúng đào hang dưới đất, bên ngoài phủ nhiều lớp tơ để bẫy côn trùng. Nhện hùm núi Cấm to bằng nắm tay, lông lá đen thui, nướng trên bếp than củi hoặc chiên giòn ăn ngon và trị được chứng bệnh đau nhúc xương cốt. Nhên hùm không nuôi được, để trong lồng vài ngày là chết, người mua - thông thường là các thầy thuốc đông y- luôn yêu cầu tươi sống nên chỉ khi có ai đặt hàng, thợ săn mới đi lung sục. Mỗi con nhện hùm, thợ săn bán cho thương lái giá 15.000 đồng đến 30.000 đồng. Thương lái bán lẻ giá từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/ con, tùy lớn nhỏ. Để trả giá cho miếng cơm manh áo, thợ săn thường chịu cảnh “trùm mền rên” do nhện hùm cắn. KHi nhện cắn, nhẹ thì trùm mền suốt tuần lễ, nặng thì tử vong nếu đi bệnh viện không kịp. Vì vậy, hầu như mỗi thợ săn đều có một món thuốc “giấu”. Thuốc “giấu” là một món thuốc bào chế từ Đông y kết hợp bùa ngãi. NGoài thuốc “giấu” ai cũng có một “bảo bối” bên mình. Người thì mang nanh cọp, người thì mang nanh heo, móng cá sấu đã được các đạo sỹ “sên” bùa. “Với những người một mình bám rừng sâu, núi thẳm để tìm cái ăn như tui, không dựa vào thần linh bùa chú thì bám vào cái gì? Khi sơ ý, trượt chân treo mình tòn teng trên vách đá giữa rừng sâu, tụi tui phải lấy khoa học điện tử hay lấy học thuyết Đác Uynh ra cầu cứu à? Có thoát chết vài lần trong trường hợp ngặt nghèo, con người mới tin rằng có sự hiện hữu của thế giới huyền linh sonh hành cũng thế giới đang sống. Tui đã từng là kẻ vô thần đó nghen”.
Sau này, chúng tôi mới biết, Thiện đã từng là giáo viên môn sinh vật. Cái nghèo năm 1984 đã đẩy Thiện ra khỏi cái nghề giới thiệu sinh vật, đẩy anh vào rừng tàn sát sinh vật. Đáng lẽ anh phải là người bảo vệ sinh vật quý hiếm mới đúng chỗ.
Suốt một ngày theo chân Thiện quần thảo nát một vạt rừng, chúng tôi không gặp thêm được một con thằn lằn nào ngoài con đã bắn hụt. Hai tốp thợ săn gặp dọc đường cũng trắng tay như chúng tôi.
Du không chứng kiến tận mắt những con thằn lằn bay còn sống nào, bù lại, chúng tôi có dịp hiểu thêm chút ít về một góc khuất bí ẩn của rừng thiêng Thiên Cấm Sơn.
DƯỚI BÓNG NỤ CƯỜI PHẬT DI LẶC
Chúng tôi quay trở lại Vồ Đầu lần thứ tư trong một chuyến công tác. Lần này, tôi gặp anh Lê Văn Thật, hiện là tổ trưởng tổ 2 của ấp Vồ Đầu. Anh Thật là một trong những cư dân đầu tiên của ấp này từ thuở…phá sơn lâm.
Trước năm 1975, Núi Cấm được xem là vùng trắng không dân thuộc xã Trắc Quan của tỉnh Châu Đốc. “Vùng trắng” có nghĩa là nằm ngoài vùng kiểm soát hành chánh của Chính quyền. Anh Thật vừa phi thuốc lào bằng điếu cày làm bằng vỏ chai rượu Henessy vừa lim dim mắt “ôn cố tri tân” đời người trên ngọn núi “trời cấm cửa” này: “Trước năm 1975, trên núi này chỉ có 3 hạng người. Đạo sỹ tu tiên. Dân nghèo và … lâm tặc. Tôi lên đây năm 1970 để làm lâm tặc phá rừng hầm than. Thời đó, cẩm lai, trắc, gỏ đỏ hay gỗ mun to bằng 5, 6 người ôm đều bị hầm than hết. Thú dữ vẫn còn nhan nhản”.
Năm 1970, tại vùng Vồ Đầu chỉ có khoảng 20 hộ dân và vẫn còn hơn 20 đạo sỹ ẩn cư. Nếu tính khắp ngọn núi Cấm, con số đạo sỹ có thể lên đến cả trăm người. Mỗi đạo sỹ chọn một góc rừng, hang núi làm chỗ tịnh thiền, tu luyện. Có đạo sỹ ẩn thân một mình và cũng có những đạo sỹ thu nhận đệ tử, khai vỡ đất trồng lúa cho…heo rừng phá. Nhiều đạo sỹ nhưng nỗi danh có thể kể như: Đạo sỹ Đức Minh (hệ phái Phật Giáo); Đạo sỹ Ba Đạo (Thần Quyền Thất sơn); Đạo sỹ Năm Đức (luyện phép tiên ở Vồ Ông Bướm); Đạo sỹ Năm Cao (luyện phép thuật); Ông Sáu Ruộng; Tu sỹ Đức; Ông Đạo Sáu… Từ thưở xa xưa, vùng Núi Cấm được xem là nơi cõi trời và đất giao nhau, ma quỷ, thánh thần ở chung. Vì vậy, nơi đây trở thành “thương hiệu có trời chứng” của những tay lang băm hoặc thầy bùa lừa đảo. Để tạo lòng tin với con mồi, chúng đều mạo danh “tui tu luyện ở Núi Cấm xuống”.
Dần dà, con người lấn chỗ ở của thánh thần. Dân tứ chiếng, dân tiều phu lên núi ngày càng đông. Cây rừng bị phá vô tội vạ ngày càng nhiều. Rừng bớt hoang, dân tín ngưỡng khắp nơi bắt đầu đổ về truy lùng các đạo sỹ xin thuốc trị bệnh. Người chân tu lùi sâu vào rừng, lẫn xuống hang ở cho đến khi viên tịch. Một số đạo sỹ khác muốn truyền bá đạo pháp mở đường từ chân núi cho khách lên hành hương đảnh lễ.. Có dạo, đệ tử của hai phe đạo hiềm khích kéo quân ra ẩu đả, khoán bùa như…phim kiếm hiệp. Những người lớn tuổi cư ngụ nơi đây hơn 50 năm ghi dấu sự kiện giao chiến của hai phe đạo như ghi dấu ngày sang trang của lịch sử Thiên Cấm Sơn: Chốn thần tiên mầu nhiệm đã nhuốm mùi tục lụy. Đệ tử của hai phe dao kiếm, gậy gộc. Sư phụ của hai phe, tay bắt ấn quyết, tay vung phù, miệng niệm chú. Phù chú có còn linh thiêng để tranh giành danh lợi? Chẳng có người của phe nào chết vì phù chú mầu nhiệm, chỉ có những vết thương tứa máu đỏ rất trần, rất thật, rất ô trọc của cõi trần. Thiên Cấm Sơn đã không còn là nơi “thượng đế cấm đến” nữa.
Năm 1975, người nghèo không đất khắp tứ xứ tràn lên núi chiếm chỗ khai khẩn hoặc săn lùng củ rừng, bắt thú cứu cái đói. Chỉ sau một năm, trên vùng núi thiêng đã xuất hiện hơn 1.200 nhân khẩu. Năm 1976 là năm đầu tiên Núi Cấm có chính quyền ấp - Ấp An Bình thuộc huyện Bảy Núi.
Bây giờ, những người cố cựu có mặt từ thưở khai hoang vẫn còn nhớ như in một chuyện lạ xảy ra duy nhất một lần từ xưa đến nay vào năm mới lập ấp. Năm đó, nhà nhà người đói ăn, đói mặc. Cỏ le là loại chưa bao giờ có bông thế mà năm lập ấp chúng trổ bông trắng rừng. Thế rồi, rừng bùng cháy. Cả ngọn núi bốc cháy. Khi lửa tắt, dân núi mò vào rừng nhặt thú chết cháy ăn đỡ đói. Bông cỏ le nở hạt cháy rụng xuống thành một lớp dày trên mặt đất. Vài người đói quá nếm thử, không ngờ thứ hạt cỏ ấy lại ngon không thua gạo. Thế là cả vạt núi xôn xao người đi hốt hạt cỏ le đem về nấu thành cơm ăn. Có người hốt được cả chục giạ dự trữ ăn đến hết mùa giáp hạt. Sự kiện đó không xảy ra lần nào nữa và dân địa phương kháo nhau rằng, ấy là trời phật cứu đói cho người. Núi Cấm có thêm một kỳ tích linh thiêng.
Sau này, huyện Bảy Núi tách làm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ấp An Bình được đổi tên là ấp Vồ Đầu trực thuộc xã An Hảo mới thành lập.
Đói vì đường lên núi cách trở. Xuống núi mua 1 kg gạo phải đi về cả ngày đường. Không ai có một bộ quần áo lành lặn. Vải bao bố được cắt ra vá víu thành quần áo. Người nào cũng là “người rừng” nên chẳng ai cười ai. Những đứa trẻ sinh ra dạo đó, giờ đã thành những ông nội, bà ngoại đều dốt nát vì chỉ lo “uýnh lộn” với cái đói.
Cái năm Pon Pot tràn quân qua cướp đất giết người, “dân rừng” Vồ Đầu cùng các đạo sỹ cương quyết không rời núi lánh nạn mà tự tổ chức cột đá, cây, chông lên vách núi chờ giặc đến. Thế nhưng có lẽ sợ “oai linh thần núi” bọn diệt chủng không dám mò lên mặc dù đã tràn sâu vào đất ta, qua khỏi vùng chân núi.
Đến năm 1978, người dân bắt đầu trồng cây su su. Đất núi thích hợp, cây su su phát triển mạnh, mỗi công đất thu hoạch cả tấn trái. Người trên núi dạo này có câu ca: “Cây su nuôi núi nuôi người/ thương người dân núi trồng su làm giàu…”. Ai trồng su cũng giàu. Mỗi hộ xí phần cả chục ha đất để canh tác giống cây này. Su mọc khắp núi. Người không đất gánh su thuê cho người có đất. Suốt ngày đêm dân gánh su thuê xuống núi nườm nượp. Ai cũng lắt lẻo quang gánh nối đuôi thành hàng dài từ chân lên đỉnh núi. Gánh su xuống chân núi bán cho thương lái rồi mua gạo, nhu yếu phẩm gánh ngược lên núi. Nhà nhà rộn rịp đổi đời.
Năm 2000, khu du lịch bắt đầu được xây dựng theo quy hoạch. Một vạt rừng bị cạo trọc cây để xây dựng. Khí hậu trên núi bắt đầu thay đổi, su không còn chịu đất núi nữa. Người dân chuyển qua nhận khoán trồng rừng lâm nghiệp, giữ rừng và trồng mít, trồng các loại màu khác dưới tán lá rừng. Mấy năm đầu, ngành kiểm lâm còn phát tiền khoán cho hộ nhận khoán, sau đó, không ai còn nhận được khoán tiền nào, đất khoán dần trở thành đất bán được. Người ta sang tay cho nhau từng ha đất khoán. Có người làm kiểm lâm “gom” được cả trăm ha đất để bán lẻ rồi nghỉ làm kiểm lâm nhảy ra kinh doanh dịch vụ du lịch.
Dự án phát triển du lịch vùng núi thiêng đã chi hàng tỷ đồng mở con đường lắt léo khó đi trở thành con đường nhựa hiện đại chạy từ chân lên đỉnh và biến vùng hoang sơ trở thành điểm du lịch hiện đại. Một tượng phật cười (Phật Di Lặc) được xây hoành tráng ngay ấp Vồ Đầu. Quanh năm, khách du lịch tín ngưỡng lên núi hàng ngàn, hàng triệu lượt. Chủ trương của UBND tỉnh An Giang là quy hoạch để dân núi làm giàu bằng du lịch. Thế nhưng một số ít dân núi biết nắm bắt thời cuộc nhảy ra làm du lịch như chạy xe Honda ôm, chụp ảnh, bán giải khát, mở phòng trọ. Một số khác chậm chạp thì bị dòng xoáy tiền bạc hất ra ngoài. Nhiều người bán sạch đất trở nên nghèo khó.
Khu tái định cư được xây dựng để sắp xếp lại nơi ăn chốn ở cho dân núi. Những hộ bị mất đất sẽ được đền bù và được mua lại nền tái định cư. Thế nhưng những người thực hiện đã không làm đúng quy trình theo chủ trương của tỉnh. Ai đó đã cố tình lập lờ về đơn giá đền bù, hỗ trợ di dời và kéo dài thời gian đền bù. Ai đó đã cố tình lập lờ chuyện giá mua nền trong khu tái định cư để đầu cơ. Riêng cán bộ khu du lịch đã chiếm hết 25 nền. Trong khi đó, 2 ấp Thiên Tuế và Vồ Đầu chỉ có 10% dân hộ khẩu có nền tái định cư. Số còn lại bán sạch, trở thành người không đất cư trú.
Chuyện hộ khẩu cũng trở thành rắc rối. Một người dân cam đoan với chúng tôi rằng: “Tất cả dân ở đây, cho dù cư trú từ trước năm 1975 đến nay, khi làm sổ hộ khẩu cũng được cán bộ ghi là: Cư trú từ năm 2000”. Nhiều người sống cố cựu ở đây không xin được hộ khẩu. Anh Hồ Hồng Sơn là cựu du kích ấp bám đất thời pôn pốt xâm lấn, cho đến giờ vẫn chưa có hộ khẩu và không còn miếng đất cắm dùi. Vậy mà có người nơi khác đến mua đất vài tháng đã có hộ khẩu.
Một chị bán giải khát năn nỉ giấu tên, khẳng định: “Phải tốn 500.000 đồng mới có hộ khẩu, còn không thì cứ bị ngâm tôm”. Cái phương ngữ “ngâm tôm” ở đây có nghĩa là cán bộ không từ chối mà cũng không cấp, cứ để đơn trong ngăn kéo hồ sơ hoài. Trong số 160 hộ sống lâu đời trên núi chỉ có 130 hộ có hộ khẩu chính thức.
Chuyện xét cấp sổ hộ nghèo cũng mập mờ khó hiểu. Chúng tôi theo lời người dân tìm hiểu thì phát hiện ít nhất 4 trường hợp có sổ hộ nghèo nhưng tiện nghi đầy đủ, thu nhập đều đặn và cũng phát hiện ít nhất 3 trường hợp khác chạy cơm hàng bữa, trong nhà chẳng có món gì có giá trị quá 2000 đồng, không việc làm ổn định, không đất sản xuất, quần áo chẳng có bộ nào nguyên vẹn lại không được xem là hộ nghèo. Một cán bộ địa phương tặc lưỡi: “Có đưa ra dân bình xét, chọn hộ nghèo đâu”.
Chuyện đời sống người dân còn ngổn ngang trăm mối, có lẽ lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cần có một cuộc điều tra thực tế, thăm hỏi tận nhà người dân mới thấu hiểu và tháo gỡ nổi sức trì trệ của Chính quyền xã.
Nếu so với 32 năm trước, so với cái thuở khai sơn lập ấp, vùng núi thiêng đã sáng sủa hơn nhiều. Một ngôi trường tiểu học, trường Phổ thông sơ sở đã rèn chữ, rèn người cho con em vùng đất núi. 150 hộ có con em đến trường và có 7 con em đang học Đạ học, Cao đẳng.
Lúc chia tay, anh Lê Đình Bàn - Ủy viên Chi bộ ấp – gởi gắm tâm tư: “Gì thì gì, phải nghĩ đến đời sống người dân trước tiên. Cần phải hiểu, phát triển du lịch là để cho đời sống người dân địa phương phát triển chứ không nên phát triển du lịch cho các nhà đầu cơ trục lợi”. Chúng tôi hiểu hàm ý người “công bộc” đã từng là lính cụ Hồ năm xưa.
Chúng tôi rời núi.
Nhìn từ xa, tượng Phật Di Lặc sừng sững giữa đất trời. Nụ cười của ngài vô ưu, hiển hiện một nguồn hạnh phúc dồi dào, vô biên. Dưới bóng ngài, một dãy lều tạm bợ, xiêu vẹo của cư dân xóm núi trông xô bồ, tạp nhạp.
Đường xuống núi thoai thoải dốc, xe không cần nổ máy vẫn chạy bon bon. Vậy mà chúng tôi vẫn nghe nặng trĩu lòng. Thôi thì tự hứa với lòng sẽ trở lại viếng Phật khi người dân dưới chân tượng luôn nở nụ cười như ngài./.
Tháng 3/ 2008
tamandieungo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
-
Môn phái Năm Ông ,là theo tiếng gọi của dân học Thần quyền Nam bộ từ nhửng năm 1920,nhưng nói 5 Ông thôi thì tối nghỉa quá ,vì bất kỳ hì...
-
Môn phái 5 ông phật xiêm ,gồm thờ 5 hình vị phật ,4 vị mặc áo vàng hở vai phải ,vị trên cùng có hình dáng 1 chư thiên, không mặc cà sa vàng ...
Một bài viết rất hay và ý nghĩa. Mong rằng sẽ có nhiều bài hay như thế này cho đời nay, cho muôn đời sau...
Trả lờiXóaHà hà, có mấy lời khích lệ thiệt mát cả lòng.Cảm ơn nggphong lắm lắm.
Trả lờiXóabài này tương đối xác thực,tuy còn một vài chi tiết như trước 1975 còn có người khome ở đây học và phụng sự các đạo sĩ,hầu như những vùng trên cao thâm thẫm thì tuyệt nhiên chỉ có những những bậc đạo sĩ ở nhưng o ai biết đích xác là ở nơi đâu vì có ai dám đi lên đó,do đường lên vắng vẻ bạt ngàn mà lại có thú dữ nữa,phần lưng chừng núi thì có nhiều thầy bà,phần chân núi thì có ít dân ở thôi..núi ông cấm thời đó có một ngôi chùa duy nhất đó chùa phật lớn chỉ thờ một phật thích ca ngoài ra o có chùa nào cả trừ những hang động.đây là ngọn núi thiêng ngay cả dan khome cũng kieng sợ,phật thầy tây an với huệ nhãn siêu phàm đã cấm các đệ tử o được làm ô uế và kinh động núi,nơi đây thổ nhưỡng ngũ hành rất thịnh do vậy có rất nhiều truyền thuyết huyền bí của các đạo sĩ tục truyền:tu phật núi yên tu tiên núi cấm.tu tiên có ông biệt danh là bắc xế tóc bện cao thành tháp ngày chẳn thì o có con chí nào nhưng ngày lẻ thì vô số con chí trên đầu,o ăn cơm mà chỉ ăn bông và trái cây biết là ông ở đó nhưng lên hang o bao giờ gặp được ô,nhưng có lúc thì ng ta lại gặp ông đang tắm suối..quả là siêu phàm.về đạo sĩ được mọi kính trọng và nễ sợ thì có tổ sư Đức minh ông mất khoảng năm 1944.hầu như các thầy ở các tỉnh miền dưới miền xuôi miền trung đều thọ giáo của ông...về tài nghệ của ông xin nhường lại cho những câu chuyện huyền bí của núi ông cấm... khoảng năm 1980 núi ông cấm đã bị nứt đôi và sạt lở su ba ngày đêm mưa gió tầm tả,quả thật đây là ý trời...tất cả những vị thầy trong nước, miên và lào có liên quan đến môn đạo ở núi ông cấm đều bàng hoàng thảng thốt.kể từ đó cái xác núi ông cấm o còn linh ứng và huyền diệu nữa...các bậc minh sư nới đó đã chuyển đi nơi khác hết.bây giờ chỉ là nơi ô hợp nhằm kiếm tiền...ôi thôi tiếc thay chỉ thấy xác mà không hồn.
Trả lờiXóaThan ôi! núi nứt đôi không phải lộ đền đài mà để xuất hiện chùa Vạn Linh hoành tráng.Chùa xuất hiện rồi thì cao nhân trở thành ẩn sĩ ... có còn chăng là một chút dư âm của một thời...
Trả lờiXóaTiếc thay! cơ trời không dám cãi...
Không chỉ có bài viết này hay mà khi bắt đầu buớc chân vào đây, Học Trò như lạc vào một thế giới cực kỳ huyền ảo, dù đuợc xem là 1 dạng hồi ký, nhưng văn phòng và tình tiết khiến nguời đọc chẳng những "cảm nhận" rất thật, mà còn "thấy" như chính mình là "nhân vật" trong câu chuyện.
Trả lờiXóaKính chúc quý Thầy nhiều sức khoẻ để còn tiếp tục lâu dài cống hiến cho lớp hậu sinh thêm nhiều câu chuyện đạo đời vô cùng thú vị mà cũng thực ý nghĩa, mang lại nhiều kiến thức bổ ích của những nguời đam mê học thuật.
Kính bái.
( Học Trò )
chao ôi, chỉ vì chút lợi nhuận du lịch của vài cá nhân mà người ta bỏ đi cả một thế giới tâm linh của hàng triệu triệu người Việt Nam vẫn hướng về đó.?.?.?
Trả lờiXóa